Nửa năm giải ngân chưa được 1%

Từ đầu tháng 4/2023, với việc phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đến năm 2030, thì Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng. Khi đó, các chuyên gia cho rằng, gói tín dụng này sẽ có những tác động tích cực đến các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội do được hưởng tiếp cận dòng vốn vay giá rẻ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: thitruongtaichinhtiente

Cũng theo Bộ Xây dựng, đã có 20 tỉnh thành công bố 52 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn khoảng 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay vốn 24.655 tỉ đồng, ba dự án cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn 1.229 tỉ đồng.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng như: Công ty Minh Phương (Phú Thọ) được giải ngân 23,7 tỉ đồng, Công ty Kinh Bắc (Bắc Ninh) được giải ngân 46 tỉ đồng, liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP Tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 13,4 tỉ đồng

Tuy nhiên, có thể thấy, mức giải ngân vẫn còn khá thấp. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tập trung ở một số nội dung như: nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế và điều kiện hưởng chính sách chưa phù hợp, mới chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố có danh mục dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vốn khoảng 25.880 tỷ đồng; một số dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà.

Anh Hoàng Duy Quang (Bắc Giang) cho biết, anh và gia đình 3 người có nhu cầu mua căn hộ nhà ở xã hội nhưng hiện việc vẫn phải cân nhắc bởi giá thành còn cao, chưa kể đến vị trí dự án, hạ tầng gần khu gia đình anh định mua chưa được thuận tiện, các thủ tục để trở thành “người thu nhập thấp” cũng còn chưa thuận lợi. Bởi vậy, kế hoạch mua nhà ở xã hội trong năm nay của vợ chồng anh tạm hoãn, xem xét sang năm sau.

Người mua nhà vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà. Ảnh: TTXVN

Cùng tình trạng muốn mua nhà ở xã hội như anh Quang, gia đình chị Nguyễn Minh Huệ (Hà Đông, Hà Nội) lại gặp khó khăn do thu nhập không đủ để trả lãi vay hàng tháng. Chị Huệ thông tin, gia đình đã tìm mua được căn hộ của dự án nhà ở xã hội có giá khoảng 1 tỷ đồng. Với các mức trả theo quy định hợp đồng (được vay tới 80%, lãi suất 8,2%) thì chỉ riêng với năm đầu tiên phải trả bình quân là gần 5,5 triệu đồng/tháng và nếu cộng tiền gốc thì hàng tháng phải trả lên tới gần 10 triệu đồng/tháng. Đây quả thực là con số khó khăn với gia đình có thu nhập thấp như chị Huệ để duy trì lâu dài.

Cũng như nhiều tình cảnh khác nữa, anh Quang chị Huệ đành gác lại kỳ vọng mong muốn sở hữu ngôi nhà của riêng mình. Còn về phía doanh nghiệp (chủ đầu tư) thì với lãi suất 8,7% như hiện nay thì cũng chưa mấy mặn mà. Với cái khó như vậy nên mặc dù có gói tín dụng ưu tiên riêng song cung cầu vẫn rơi vào“im ắng” khiến cho mức độ giải ngân ở mức cực thấp.

Cần cơ chế linh hoạt

Chuyên gia cho rằng, những lý do khiến cho việc giải ngân gói tín dụng bị chậm cần có chính sách và cơ chế linh hoạt, giải quyết kịp thời những bất cập, thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển tốt hơn. Theo ông Hwoan Shen Wan, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Hàn Quốc, Việt Nam đang xây dựng và kỳ vọng đạt 1 triệu căn nhà ở xã hội thì Chính phủ và người dân phải đồng thuận để xây dựng chính sách và giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Báo Lao động

Kiến nghị liên quan, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội của các địa phương và nhà ở công nhân là khác nhau (điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách); do đó cần có chính sách để bảo đảm cho các địa phương có quyền chủ động nhiều hơn.

Để gói vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng cần có sự sửa đổi các vướng mắc pháp lý và các thủ tục đầu tư. Các địa phương cần bố trí quỹ đất cho dự án nhà ở xã hội và sớm công bố danh mục dự án để người mua có có thể tiếp cận vốn vay tốt hơn, giảm các thủ tục pháp lý từ chính gói tín dụng này.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, về phía các ngân hàng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng luôn sẵn sàng để cho vay nhưng về bản chất gói tín dụng này không giống với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từng triển khai năm 2013. Ông Hùng cho biết, gói 30.000 tỷ đồng trước đây được cho vay từ nguồn tái cấp vốn, lãi suất cố định chỉ 5%/năm còn gói 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn tự thu xếp của các ngân hàng thương mại và lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường.

TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: Vneconomy.vn

Bên cạnh cơ chế linh hoạt của chính sách một số ý kiến còn bàn bàn tới việc phát triển một nguồn vốn bền vững cho nhà ở xã hội. Theo đó, ông Cấn Văn Lực đề xuất nên có một quỹ phát triển nhà ở xã hội và được công khai, minh bạch; trong đó vốn ngân sách là vốn mồi chủ lực và các nguồn vốn tư nhân được huy động; lãi suất bằng khoảng 50% lãi suất trên thị trường.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, với mức lãi suất hiện nay để hạ thấp hơn nữa với chủ đầu tư và người mua thì sẽ rất khó. Do vậy, ông Hiếu kiến nghị cần một gói tín dụng từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất 5%/năm như gói cho vay ưu đãi trước kia là rất cần thiết, để giúp người lao động tiếp cận và vay mua nhà ở xã hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, theo chuyên gia này, cần quan tâm tới các nguồn vốn khác để tạo nguồn vốn vay lâu dài cho nhà ở xã hội như phát hành trái phiếu dài hạn để thu hút vốn cho quỹ… Hay như trước đó đề xuất của một số chuyên gia về việc lập quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội để đa dạng hóa nguồn vốn.

Như vậy là, trên thực tế dòng vốn đã sẵn sàng cho cả doanh nghiệp và người mua nhưng để hấp dẫn hai đối tượng này tiếp cận nguồn vốn vay nhằm phát triển thị trường nhà ở xã hội vẫn là bài toán không dễ.