Có thể nói, 2023 là một năm tích cực đối với các thị trường cận biên châu Á, với mức tăng trưởng vượt trội so với các thị trường mới nổi. Trên thực tế, một số thị trường chứng khoán lớn tại khu vực châu Á đang ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm nay như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

AFC Asia Frontier Fund (AFC Fund) - quỹ ngoại tập trung vào các thị trường cận biên châu Á, trong đó bao gồm Việt Nam nhận định rằng, bên cạnh yếu tố là môi trường vĩ mô ổn định và định giá ở mức hấp dẫn, thì 2 động lực chính cho đà tăng của thị trường cận biên là lạm phát giảm và lãi suất ở mức thấp.

AFC Fund: Việt Nam là một trong những thị trường đón nhiều
Các thị trường cận biên châu Á tăng trưởng vượt trội so với đa số các thị trường mới nổi

Đưa ra nhận định về triển vọng thị trường cận biên trong năm 2024, AFC Fund duy trì góc nhìn tích cực dựa trên một số lý do:

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Cụ thể, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có những tín hiệu đầu tiên về việc hạ lãi suất vào năm 2024 khiến các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng có chính sách tương tự trong năm tới. Việc chuyển hưởng hay giảm bớt mức độ "diều hâu" sẽ là yếu tố rất tích cực đối với tâm lý thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thứ hai, sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp, dẫn đầu là Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam là một yếu tố chính tiếp tục thúc đẩy quá trình định giá lại tại các thị trường cận biên châu Á. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận tại các nền kinh tế này sẽ phục hồi từ mức nền thấp trong 12 - 18 tháng qua và được trợ lực bởi nền kinh tế hồi phục cùng môi trường lãi suất thấp. Thêm vào đó, quỹ ngoại này kỳ vọng chuyển biến lợi nhuận sẽ rất tích cực cho tâm lts của nhà đầu tư cũng như giá cổ phiếu.

Thứ ba, định giá của các thị trường cận biên đang ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình 5 năm qua. AFC Fund cho rằng, năm 2024 sẽ chứng kiến những cơn gió thuận chiều nhờ lãi suất thấp, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tích cực, qua đó tạo động lực cho quá trình định giá tại các thị trường cận biên nói chung và các thị trường mà AFC Fund tập trung nói riêng, trong đó bao gồm Việt Nam.

AFC Fund: Việt Nam là một trong những thị trường đón nhiều
Các quốc gia được dự báo sẽ dẫn đầu đà hồi phục lợi nhuận năm 2024

AFC Fund cho rằng, tầm nhìn 3-5 năm nữa, Việt Nam sẽ tiếp tục nổi bật là một trong những thị trường đón nhận cơn gió thuận chiều tại châu Á, nhất là với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng trên toàn cầu, giúp thúc đẩy cả về xuất khẩu lẫn tăng trưởng kinh tế. Theo AFC Fund, kể từ năm 2024 trở đi, Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng GDP 6 - 6,5% mỗi năm.

Nhìn chung, quỹ ngoại này duy trì góc nhìn tích cực đối với thị trường cận biên và mới nổi, đặc biệt là nhóm cận biên tại châu Á. Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao yếu tố về những chuyển biến mới tại thị trường Mỹ, khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm 2024..

“Chúng tôi cho rằng, bối cảnh hiện tại sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho tăng trưởng của chứng khoán toàn cầu, nhất là nửa đầu năm 2024”, AFC Fund cho hay.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vào năm 2024

Tại một hội thảo diễn ra mới đây, các chuyên gia do Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã nêu ra các dữ liệu thuyết phục về kinh tế vĩ mô, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư của cả Việt Nam và thế giới, cho thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và Phát triển sản phẩm Khối Khách hàng cá nhân, Yuanta Việt Nam cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới trong năm 2024 sẽ theo chiều hướng thuận lợi và lãi suất tiếp tục giảm.

Đặc biệt, P/E vẫn đang ở mức rẻ hơn so với trung bình 5 năm qua, ở mức 14,7 lần. Bên cạnh đó, chỉ số P/E của cổ phiếu vẫn hấp dẫn hơn so với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Nếu năm 2023, mức tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đã cao kỷ lục, thì sẽ bước vào chu kỳ giảm xuống chỉ còn 2,5%. Điều này có ý nghĩa tích cực đối với thị trường cổ phiếu năm 2024.

AFC Fund: Việt Nam là một trong những thị trường đón nhiều
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vào năm 2024

Bên cạnh đó, chỉ số S&P 500 đã xác lập mức tăng kỷ lục vào quý 3/2023, trong khi đó, chỉ số VN-Index vẫn chưa tăng theo. Thông thường, chứng khoán Việt Nam sẽ thuận chiều với chứng khoán Mỹ, điều này dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại cùng chiều với chứng khoán Mỹ trong năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Minh cho biết, lãi suất đang bước vào cuối chu kỳ và chính thức suy giảm vào năm 2024. Nhiều khả năng, Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm sau mà dự báo sẽ giảm.

Vậy cơ hội nào cho thị trường chứng khoán trong năm 2024? Vị chuyên gia Yuanta Việt Nam cho rằng, tính lãi suất huy động của 4 ngân hàng lớn vẫn tiếp tục theo chiều hướng giảm. Điều này sẽ chiết khấu vào doanh nghiệp niêm yết và khiến giá cổ phiếu ngày càng hấp dẫn hơn trong thời gian tới. Ông Minh cho biết thêm, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đã ổn hơn. Việc hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước đã dừng lại, minh chứng là chỉ số VN-Index đã tăng trở lại so với tháng 9 vừa qua.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Khối Khách hàng tổ chức, Yuanta Việt Nam tiết lộ, ngành có thể tích lũy cổ phiếu trong năm sau không thể thiếu công nghệ, với ưu tiên luôn là FPT. Ngành thứ 2 là năng lượng, với cổ phiếu PCI hấp dẫn khi có nhiều "chất xúc tác". Ngoài ra, POW được định giá rất thấp trong quá khứ, nếu mua ở vùng 11.000 đồng/cp thì có thể bán cao hơn.

Ngành thứ 3 là dầu khí với PVD khá tiềm năng. Trong khi ngành tiêu dùng có PNJ khi hồi phục ấn tượng trong tháng 11. Với ngành ngân hàng, chuyên gia cho rằng nên tập trung vào ngân hàng có chất lượng tài sản cao như ACB, VCB,...