Theo Nhịp sống kinh tế, báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC với tiêu đề "Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức” cho thấy, tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008. Đồng thời tăng tốc trước sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thời gian gần đây. ASEAN đã thu hút gần 17% FDI toàn cầu trong năm 2022 - đạt mức kỷ lục, gần gấp đôi so với 4 năm trước.

ASEAN liên tục nhận các khoản đầu tư lớn, Việt Nam có hưởng lợi?
Tổng vốn FDI và FDI ròng của ASEAN tăng đáng kể sau GFC năm 2008. Nguồn: HSBC

Tổng vốn FDI vào ASEAN-6 đạt trung bình khoảng 128 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2010 - 2019, cao gấp khoảng 3 lần so với trung bình của thập kỷ trước. FDI ròng trung bình đạt khoảng 53 tỷ USD/năm trong cùng kỳ, gần gấp đôi 4 lần mức trung bình của thập kỷ trước. Xu hướng này gia tăng trong giai đoạn Covid - 19. Tổng vốn FDI tăng vượt bậc 45% lên trung bình khoảng 185 tỷ USD, với FDI ròng tăng gấp đôi, đạt 105 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2022.

Lợi ích gì cho các nước trong khu vực?

Theo HSBC, không phải quốc gia nào trong ASEAN cũng được hưởng lợi ở mức độ như nhau. Việc thu hút vốn FDI là bức tranh đa chiều tại khu vực. Ngoài Singapore thì Việt Nam và Malaysia sở hữu vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, tiếp tục là những nước có thành tích vượt trội, mức phê duyệt FDI dao động khoảng 3% GDP. Có thể thấy các bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất, dù tốc độ phục hồi của chu kỳ thương mại hiện vẫn diễn ra chậm.

Singapore chiếm hơn 65% vốn FDI của khu vực, tương đương trung bình tới 25% GDP nước này, đưa họ lên vị trí số 1 về thu hút FDI trong khu vực ASEAN. Nguyên nhân một phân do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng.

Vị trí Á quân thuộc về Malaysia và Việt Nam. FDI mới vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam năm 2023 cao hơn 3 năm trở lại đây. HSBC đánh giá về Việt Nam rằng, khi nghĩ về FDI và những lợi ích, câu chuyện Việt Nam đã nổi bật một cách tự nhiên.

Kể từ khi thực hiện Đổi Mới vào năm 1986, Việt Nam ngày càng nhận được dòng vốn FDI lớn, trở thành một điểm sáng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi hầu như các khoản đầu tư ban đầu đều đổ vào lĩnh vực dệt may, giày dép có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.

ASEAN liên tục nhận các khoản đầu tư lớn, Việt Nam có hưởng lợi?
Việt Nam, Malaysia tiếp tục dẫn đầu khu vực về thu hút FDI Nguồn: HSBC

Theo nhận định từ HSBC, sự thành công trình lĩnh vực công nghệ phần lớn nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam: Khoản đầu tư 18 tỷ USD trong 2 thập kỷ, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu sản xuất tại Việt Nam. Điều này đã khuyến khích các “ông lớn” công nghệ, trong đó có Apple mở rộng hoạt động của họ tại đây.

Bên cạnh 3 quốc gia trên, FDI của Indonesia chưa tăng đáng kể nhưng tiến trình cải cách công nghiệp của họ đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Thái Lan cũng đang chạy đua thu hút FDI, trong khi Philippines cũng đang cải cách để tăng sức hấp dẫn.

Theo bài báo cáo đánh giá, đối với lĩnh vực được đầu tư, có 2 chuỗi cung ứng hưởng lợi nhiều nhất là: ngành công nghệ và xe điện (EV). Trong khi Singapore, Malaysia và Việt Nam có thành tích vượt trội về công nghệ, thì Indonesia và Thái Lan được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện. Malaysia đang chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ngành dịch vụ tài chính của ASEAN tập trung chủ yếu tại Singapore.

Tầm quan trọng của nhà đầu tư Trung Quốc

Vốn dĩ, Mỹ và EU là các nhà đầu tư tiên phong đầu tư vào ASEAN. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực sản xuất. Nhà đầu tư Nhật Bản đã biến Thái Lan thành trung tâm ô tô của khu vực, còn nhà đầu tư Hàn Quốc đưa Việt Nam thành trung tâm mới nổi về điện tử tiêu dùng.

Nhưng HSBC cho rằng, Trung Quốc ngày càng mở rộng đầu tư vào ASEAN và nhanh chóng bắt kịp các nước khác. Mỹ và EU vẫn là 2 nhà đầu tư lớn, chủ yếu vào lĩnh vực tài chính và sản xuất.

Mặt khác, Trung Quốc từng tập trung đầu tư vào bất động sản, hiện đang đẩy mạnh rót vốn vào lĩnh vực sản xuất của ASEAN. Khi nhìn vào lĩnh vực này, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan chứng kiến được sự tăng vọt về tỷ trọng FDI của Trung Quốc.

ASEAN liên tục nhận các khoản đầu tư lớn, Việt Nam có hưởng lợi?
Việt Nam liên tục chứng kiến dòng vốn FDI mới chảy vào lĩnh vực sản xuất. Nguồn: HSBC

Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia, gồm nhà sản xuất pin EV hàng đầu CATL và nhà sản xuất thép không gỉ Tsingshan, đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của nhà máy luyện niken - nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất pin EV. Indonesia không phải là ứng cử viên duy nhất, các nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD, Great Wall Motor (GWM) và SAIC đều thiết lập dây chuyền sản xuất tại Thái Lan vì vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng ô tô và những khoản trợ cấp hào phóng.

Malaysia đang phải cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện. Không chỉ có 3 nhà đầu tư Trung Quốc là BYD, Great Wall Motor và Chery trong năm 2023, gần đây Tesla cũng chọn Malaysia làm điểm đến. Trong khi đầu tư của Trung Quốc cũng mở rộng sang lĩnh vực năng lượng mặt trời, Risen Energy đã công bố khoản đầu tư cơ sở đầu tiên vào ASEAN trị giá hơn 10 tỷ USD trong 15 năm tới.

Đối với Việt Nam, nhà đầu tư Trung Quốc đang để mắt đến ngành điện tử tiêu dùng, với 2 trong số 3 nhà cung cấp lớn cho Apple đang rót vốn vào Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc không phải nhà đầu tư lớn của Singapore. Philippines lại càng không lấy được nhiều vốn FDI từ Trung Quốc.

Nhìn chung, cuộc đua thu hút vốn FDI đã khởi động. Dù triển vọng thương mại trong tương lai chưa nhiều điểm sáng, nhưng dòng vốn FDI sẽ giúp ASEAN nâng tầm chuỗi giá trị và củng cố vị trí quan trọng của mình trong thương mại toàn cầu.