Biện pháp nào cho tình trạng cổ phiếu HBC bị kiểm soát đặc biệt?
Nguồn: Internet

Trước đó, vào ngày 10/5/2023, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận được Quyết định số 211/QĐ-SGDHCM đề ngày 8/5/2023 về việc chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Sau đó không lâu, vào ngày 18/05/2023, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận được Quyết định số 221/QĐ-SGDHCM đề ngày 16/05/2023 về việc đưa cổ phiếu từ diện kiểm soát lên diện hạn chế giao dịch do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trong thời gian qua, HBC cũng đã hoàn thành và công bố BCTC kiểm toán năm 2022 vào ngày 30/6/2023.

Tuy nhiên, vào ngày 10/7/2023, HBC lại tiếp tục nhận được Quyết định số 325/QĐ-GGDHCM đề ngày 6/7/2023 của Quý Cơ quan về việc đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7/2023 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 là số âm.

Theo giải trình từ phía công ty, hiện HBC đang tích cực tái cấu trúc sản phẩm, thị trường và tái cấu trúc tài chính.

Được biết, HBC dự kiến sẽ phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu tương đương số tiền dự kiến lên đến 3.288 tỷ đồng. HBC cũng dự kiến chuyển nhượng công ty con Matec và một phần thiết bị đã khấu hao.

Ngoài ra, HBC cũng sẽ định giá lại tài sản, quyết liệt quản trị khoản phải thu và cơ cấu các khoản vay.

Về kết quả kinh doanh quý 2/2023, doanh thu thuần của HBC ghi nhận giảm 1,846 tỷ đồng xuống mức 2,298 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm 44.5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần ghi nhận ít hơn 50.7% so với cùng kỳ, chỉ còn đạt 3,492 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán theo đó được cắt giảm xuống mức 1,874 tỷ đồng. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp ghi nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên mức 423.5 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận giảm sút 48.6% so với cùng kỳ, xuống mức 93 tỷ đồng chủ yếu do các khoản lãi bán các khoản đầu tư giảm mạnh. Bên cạnh đó, lãi bán hàng trả chậm, chậm thanh toán cũng giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 168 triệu trong 6 tháng đầu năm do các khoản giảm trừ doanh thu giảm mạnh.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của HBC lại ghi nhận tăng nhẹ lên mức 142.4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay giảm nhẹ xuống mức 141 tỷ đồng và HBC trích lập thêm 1.2 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư. Chi phí bán hàng ghi nhận giảm nhẹ xuống mức 6.3 tỷ đồng do doanh thu giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng một cách chóng mặt đến 190% lên mức 436 tỷ đồng chủ yếu do HBC trích lập dự phòng mới hơn 317 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.

Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HBC ghi nhận âm 68 tỷ đồng. Tuy nhiên HBC đã bán thanh lý tài sản cố định, vật tư và thu về khoản tiền hơn 656 tỷ đồng.

Kết quả, HBC thu về lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt mức 585 tỷ đồng và 546 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 748% và 1113% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng ghi nhận tăng trưởng 82.2% lên mức 102 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đến 4 con số trong quý 2/2023 của HBC chủ yếu đến từ thanh lý tài sản cố định, vật tư mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp nên tương đối không bền vững.

Như vậy, với kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến nhờ bán tài sản thì HBC mới hoàn thành được 28% kế hoạch đề ra về doanh thu và 81.6% kế hoạch đề ra về lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2023.