Ngành ngân hàng trải qua một năm đầy khó khăn

Trong báo cáo chiến lược công bố mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ngành ngân hàng vừa trải qua một năm với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế kém khả quan. Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 17/12 đạt 12,26% so với cuối năm 2022, mức này vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 14% của năm 2023.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có tổng cộng 3 lần nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Chứng khoán KBSV nhận định, tình hình giải ngân trong năm 2023 nhìn chung tương đối chậm, nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế khó khăn khiến các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, kéo theo cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân giảm theo.

Bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực
Năm 2023, ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn

Mặt khác, tín dụng qua kênh bất động sản lại có mức tăng trưởng khiêm tốn do khó khăn của thị trường này chưa hồi phục. Bên cạnh đó, sự chững lại của thị trường trái phiếu cũng là một trong những lý do khiến khó khăn của ngành ngân hàng gia tăng. Đồng thời, các tổ chức tài chính cũng thận trọng hơn trong việc giải ngân khi mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, lợi nhuận cả năm của ngành ngân hàng tăng trưởng khiêm tốn do các nguồn thu đều bị ảnh hưởng, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng năm 2023 của toàn ngành ghi nhận 181.101 tỷ đồng, tương đương giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi ròng cả ngành cũng giảm tương đối mạnh từ mức 3.81% vào cuối năm 2022 về mức 3.29% trong quý 3/2023, phản ánh chi phí vốn ở mức cao trong 3 quý đầu năm. Cũng trong năm 2023, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng suy giảm nghiêm trọng khi tỷ lệ nợ xấu cùng với nợ xấu hình thành tăng lên ở tất cả các nhà băng.

Những tín hiệu khởi sắc có thể đến trong năm 2024

Trong báo cáo của KBSV kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ tiếp tục được duy trì trong nửa năm sau, qua đó tạo động lực thúc đẩy tín dụng cũng như cải thiện chi phí vốn cho các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 12 - 13% trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế chung chưa phục hồi quá mạnh.

Bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực
Bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 được nhận định có nhiều điểm sáng tích cực

Năm 2024, động lực tăng trưởng ngành ngân hàng chủ yếu đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất cùng với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thêm vào đó, yếu tố từ những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản cũng tiếp tục được tháo gỡ giúp thị trường này sớm đi qua giai đoạn suy thoái. Ngoài ra, một động lực khác đến từ thị trường trái phiếu cần thêm thời gian từ 2-3 năm nữa để trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ như trước đây, trong khi kênh huy động vốn qua ngân hàng vẫn sẽ được ưu tiên.

Cũng theo báo cáo của Chứng khoán KBSV đưa ra nhận định rằng, sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy vào room tín dụng được cấp. Công ty chứng khoán này cũng dự báo, biên lãi ròng của cả ngành sẽ phục hồi trong năm 2024 dù điều kiện chung chưa được thuận lợi tới mức có thể đưa con số này về mức đỉnh năm 2022.

Về rủi ro đối với ngành ngân hàng, KBSV lưu ý diễn biến suy yếu trong chất lượng tài sản vào giữa năm 2024, sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Ngoài ra, rủi ro phục hồi chậm của thị trường trái phiếu và bất động sản cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của ngành.

Đưa ra đánh giá chung về ngành ngân hàng, Chứng khoán KBSV cho rằng, ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ còn phải đối diện với một vài khó khăn trong thời gian tới, nhưng nhìn chung bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Đặc biệt, khi bất động sản phục hồi, một số ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi, trên cơ sở đó sẽ có mức tăng trưởng hấp dẫn.

Bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực

Dự báo về lãi suất huy động trong năm 2024, Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024. Hiện tại, lãi suất huy động đã xuống thấp hơn giai đoạn Covid-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa, nhu cầu tín dụng yếu. VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước dịch Covid-19 và còn rất ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.

VCBS kỳ vọng, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5%. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho vay đối với một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng qua giai đoạn khó khăn.

Thông tin của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, tính đến 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.

Từ những tín hiệu tích cực đó, các chuyên gia dự báo cầu tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm 2024, dẫn đến nguy cơ ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nếu dòng tiền ra khỏi ngân hàng nhiều hơn là chảy vào. Từ đó, có thể buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn.