Về ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp áp lực lớn trước xu hướng rút ròng của khối ngoại. Điều này khiến VN-Index biến động không ổn định quanh vùng 1.100 – 1.130 điểm. Tuy nhiên, xét về trung hạn thì phần lớn các chuyên gia và tổ chức phân tích đều đánh giá triển vọng lạc quan với quyết tâm nâng hạng thị trường trước năm 2025 của cơ quan quản lý, lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp kỷ lục, nền kinh tế dần phục hồi trở lại, Fed đã phát tín hiệu giảm lãi suất.

Các công ty chứng khoán nhỏ bắt đầu ‘trỗi dậy’
Chứng khoán Việt Nam gặp áp lực lớn trước xu hướng rút ròng của khối ngoại

Với diễn biến như vậy, các công ty chứng khoán vừa và nhỏ đang diễn ra những chuyển động đáng chú ý, một vài công ty nhận được sự hậu thuẫn từ giới chủ các định chế tài chính lớn. Theo đó là các kế hoạch tăng vốn khủng, mở rộng hoạt động kinh doanh, thay đổi “bộ sậu”, cơ cấu lại cổ đông, tăng dịch vụ cung cấp.

Đơn cử, Công ty cổ phần Chứng khoán Việt đang trong quá trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản tăng vốn điều lệ gấp 10 lần lên 337,5 tỷ đồng, thời điểm thực hiện từ 2023 - 2024. Đồng thời cũng bổ sung triển khai nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ chứng khoán. Dự kiến thời điểm chốt danh sách cổ đông là ngày 24/12/2023, thời gian lấy ý kiến từ 25/12/2023 - 4/1/2023.

Chứng khoán Việt thành lập từ năm 2006 với quy mô nhỏ nhất sàn chứng khoán khi có vốn điều lệ là 37,5 tỷ đồng, tổng tài sản tính tới ngày 30/9/2023 là 26 tỷ đồng. Bà Thái Thị Nga hiện đang là chủ tịch HĐQT công ty (sở hữu 10,67% vốn) và là em gái bà Thái Hương (Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á). Bà Hương được biết tới là nhà sáng lập - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH - sở hữu thương hiệu sữa TH true Milk.

Chứng khoán LPBank, mang dấu ấn của bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã: LPB) đã được sự chấp thuận của cổ đông phương án tăng vốn “khủng”. Công ty bắt đầu triển khai kế hoạch chào bán 363,8 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn lên 3.888 tỷ đồng từ mức 250 tỷ đồng.

Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, mục tiêu là huy động 3.638 tỷ đồng để đa dạng, mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính và năng lực bảo lãnh phát hành, tự doanh, cho vay giao dịch ký quỹ, nâng cao khả năng cạnh tranh với những công ty chứng khoán khác trên thị trường.

Theo đó, công ty sử dụng 500 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh; 200 tỷ đồng mở rộng mạng lưới chi nhánh tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; Số tiền còn lại sẽ bổ sung vốn vào hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán…

Vừa qua, Chứng khoán LPBank bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Quân Tùng làm Quyền Tổng Giám đốc từ ngày 14/12. Ông Tùng sinh năm 1985, có học vị thạc sĩ, từng đảm nhận vị trí lãnh đạo cao cấp tại các công ty chứng khoán khác như VNDirect (mã: VND), Chứng khoán VPBank hay Ngân hàng Phương Đông (mã: OCB).

Các công ty chứng khoán nhỏ bắt đầu ‘trỗi dậy’
Chứng khoán LPBank được chấp thuận tăng vốn khủng

Bên cạnh đó, trong đợt phát hành riêng lẻ sắp tới, ông Tùng còn là cá nhân tham gia mua cổ phiếu HAG. Hai tổ chức tham gia đợt phát hành riêng lẻ của HAGL là Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup – đơn vị thành viên trong hệ sinh thái Thaiholdings (mã: THD) của bầu Thụy.

Năm 2023, Chứng khoán Kafi hoàn thành đợt tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, công ty sẽ tiếp tục phát hành đợt 2 để tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công ty hiện đang lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án phát hành tăng vốn tối đa lên 2.500 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh thời gian tới. Chứng khoán Kafi dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu và hoàn thành trước ngày 30/4/2024.

Doanh nghiệp này vừa đổi tên từ Chứng khoán Globalmind Capital vào năm 2022. Cổ đông lớn nhất của Kafi là Công ty cổ phần Uniben, Gentle Sun Investments Limited, ông Đặng Khắc Nhật Minh, ông Đặng Khắc Cường, ông Đặng Khắc Mạnh.

Trong đó, Uniben là doanh nghiệp nhiều liên hệ với nhóm chủ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB). Ngoài ra, ông Đặng Khắc Vĩ - Chủ tịch HĐQT VIB từng có tên trong danh sách mua cổ phiếu Kafi vào đợt tăng vốn từ 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng năm 2022.

Với sự hậu thuẫn từ chủ sở hữu - Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB), mới đây Công ty Chứng khoán ACB đã tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Năm 2024, ngân hàng sẽ rót thêm 3.000 tỷ đồng để chứng khoán ACB tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng - tiến vào nhóm quy mô lớn trên thị trường.

Các công ty chứng khoán nhỏ bắt đầu ‘trỗi dậy’
Công ty Chứng khoán ACB tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng

Chứng khoán Việt Tín (VTSS) ghi nhận một cổ đông lớn vừa xuất hiện là Công ty cổ phần Du lịch Minh Thành sau khi nhận chuyển nhượng 49% vốn từ ông Nguyễn Anh Đạt. Hai cổ đông lớn còn lại là Hoàng Ngân Hà (50%) và Nguyễn Đức Việt (1%). Công ty đang triệu tập cổ đông để tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm quyết định một số vấn đề quan trọng. 4/1/2024 là ngày đăng ký cuối cùng.

Tính đến cuối quý III/2023, VTSS có vốn điều lệ 138 tỷ đồng và quy mô tài sản là 92 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Anh Đạt, Phó Chủ tịch Hoàng Ngân Hà, hai người có mối quan hệ vợ chồng. Bà Hà đồng thời là Chủ tịch HĐQT và ông Đạt là Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Việt Tín.

Mới đây, Ông Lê Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) đã nhận được chuyển nhượng tổng hơn 22 triệu cổ phần từ 3 nhà đầu tư cá nhân là ông Lê Thanh Hà – Thành viên HĐTQ IRS, bà Nguyễn Thị Giá và ông Lê Hồng Thảo.

Như vậy, ông Thanh tăng sở hữu lên 25 triệu đơn vị, tương đương 83% vốn IRS. Sau đó ông Thanh đã gửi đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.

Tính đến cuối quý III/2023, chứng khoán IRS có vốn điều lệ 300 tỷ đồng và quy mô tài sản là 315 tỷ đồng.