Cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn có nhiều ưu điểm đối với các doanh nghiệp và hộ dân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Cần tạo cơ hội cho thị trường cho thuê tài chính
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Tuy nhiên, quy mô dư nợ cho thuê tài chính hiện còn rất thấp, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các ngân hàng thương mại; số lượng công ty cho thuê tài chính còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp; doanh nghiệp và người dân biết đến kênh cho thuê tài chính còn ít...

Thông tin từ Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, hiện nay, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực cho thuê tài chính đã ngày một hoàn thiện, gồm: Luật các TCTD từ điều 112 đến điều 116, Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của NHNN về quản trị điều hành, về kiểm soát, về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.

Trên thị trường Việt Nam đang có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính nhưng dư nợ cung cấp cho khách hàng dư nợ đối với nền kinh tế đạt gần 40.000 tỷ đồng (tổng hợp từ 8/10 công ty cho thuê tài chính), chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức trên dưới 1%.

Điều đó cho thấy quy mô thị trường còn quá nhỏ bé và còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Phát biểu tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển Cho thuê Tài chính ở Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia - đánh giá, thị trường Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận lĩnh vực cho thuê tài chính từ năm 1995, nhưng sau gần 30 năm, chúng ta chưa phát triển được như mong muốn.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất: Chúng ta cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, coi đây là kênh dẫn vốn quan trọng song song với ngân hàng thương mại. Đặc biệt, cần đẩy mục tiêu dư nợ lên 3-5% tổng dư nợ nền kinh tế đến năm 2025.

“Về hành lang pháp lý, các chuyên gia đề xuất có một luật riêng, nhưng điều đó rất khó trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi, hãy sửa đổi những gì đã có trong Luật các TCTD (sẽ thông qua vào tháng 10 năm nay), với 3 điểm cần góp ý như sau:

Một là, cần mở rộng hơn cho các công ty cho thuê tài chính, cho họ đi vay các TCTD khác kể cả trung dài hạn.

Hai là, bản thân các công ty phải công khai, minh bạch để phát hành trái phiếu doanh nghiệp như các TCTD, còn không thể có câu chuyện chỉ hút tiền gửi từ cá nhân theo thông lệ quốc tế.

Ba là, cơ chế ưu đãi phải được cơi nới, rõ ràng về thuế, phí. Các doanh nghiệp phải được mở rộng hoạt động tư vấn, điều này hoàn toàn nằm trong năng lực các công ty, không chỉ các đơn vị đi thuê mà bất kỳ đơn vị nào cũng có thể được tư vấn.

Ngoài ra, vấn đề điều kiện để các công ty cho thuê tài chính gia nhập thị trường, ông Phạm Xuân Hoè kiến nghị “Chúng tôi rất mong muốn trong đợt sửa đổi Luật các TCTD lần này sẽ có những sửa đổi một cách toàn diện, đây sẽ là “cơ hội vàng” cho cộng đồng cho thuê tài chính Việt Nam. Trong đó, cần làm rõ các điều kiện gia nhập thị trường đơn giản hơn. Về các tài sản cho thuê tài chính thì các doanh nghiệp nên được quyền cho thuê tất cả các loại tài sản, máy móc thiết bị trên thị trường, trừ máy bay.

Việc hiểu về các công cụ hàng không là rất tiến bộ, nhưng phải có sự phân biệt rõ ràng, Chính phủ đã có quyết định thành lập công ty cho thuê máy bay riêng, vì đó là tài sản lớn, nhưng các thiết bị bay trong thời hiện đại như các máy bay nhỏ, các công cụ bay phun thuốc sâu trong nông nghiệp thì các công ty tài chính hoàn toàn có thể cho thuê; hoặc các thiết bị khác mà trong Nghị định 39 không giải thích rõ là những tài sản gì.

Đơn cử như trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, tất cả các máy tính, máy photo, thậm chí phần mềm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể cho thuê tài chính; nhưng điều đó cũng chưa được quy định chi tiết. Vậy chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải đưa điều này vào để hỗ trợ, thậm chí không nhất thiết phải quy định mà chỉ cần là máy móc thiết bị, là các tài sản thông thường trên thị trường thì đều có thể cho thuê được”.

Hà Anh