Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua đã có những thông tin cảnh báo về chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam. Ba nhóm lửa đảo chính hiện nay là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Những chiêu trò này nhắm tới đối tượng là lao động tự do, người cao tuổi, công nhân, nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên…

Theo đó, Báo Công Thương cũng đã trích đăng một số thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để phổ cập thông tin, và giúp bạn đọc tránh bị mắc vào bẫy của những đối tượng lừa đảo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện vẫn khẳng định bitcoin, litecoin, tiền ảo không phải là tiền tệ, và cũng không phải là cách thức thanh toán hợp pháp. Do đó, phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ là hành vị bị cấm.

Cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo
Xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã tiếp nhận tố giác về tội phạm của chị P.T.N (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh). Cụ thể, chị tố giác tài khoản Facebook “Đức Huy” đã lừa đảo chiếm đoạt tiền qua hình thức đầu tư trên web http://www.ihrfu.com.

Trên Facebook, chị N.P.L có đăng thông tin cần cho thuê phòng khách sạn. Sau đó, một tài khoản tên “Đức Huy” (Trần Đức Huy, SN 1983, tại TP. Hồ Chí Minh) nhắn chị để hỏi giá và sẽ xuống thuê phòng.

Sau khi nói chuyện và tạo được thiện cảm, tài khoản này đã gửi một link dẫn http://www.ihrfu.com/login.php?id=www và nói với chị L. rằng đây là trang web đầu tư nhanh, thu lời cao. Nếu làm theo hướng dẫn của Huy thì chị sẽ có lợi nhuận 10%.

Theo đó, chị L. đã vào đường link trên để lập tài khoản và đăng ký cùng số tài khoản ngân hàng để bắt đầu đầu tư.

Ở hai lần đầu tiên, chị L. đã chuyển tiền theo chỉ dẫn và hưởng tiền lãi. Sau đó, chị đã rút tiền được cả gốc và lãi đầy đủ. Sau khi tin tưởng, chị tiếp tục nạp thêm nhiều lần. Trong 3 ngày liên tiếp vào tháng 6/2023, chị L. đã chuyển thêm tiền và tổng số dư tài khoản trên trang web đó của chị lên tới 1.821.000.000 đồng.

Tuy nhiên, sau đó chị L. không thể thực hiện lệnh rút tiền. Về phía Huy, người này cho biết chị phải tiếp tục đặt cược thì mới có thể rút tiền và chị L. cũng đã nghe theo và nạp thêm số tiền 100.000.000 đồng. Thế nhưng, chị L. vẫn không rút được tiền.

Cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo
Đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh để dụ dỗ đầu tư

Lúc này, chị đã biết bị lừa và tới Cơ quan điều tra để trình báo sự việc. Vụ việc hiện đang được tiếp tục xác minh và làm rõ.

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, người dân tuyệt đối không nên tin tưởng và nghe theo đối tượng lừa đảo để đầu tư nhanh như trường hợp trên.

Anh N.V.M (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cũng cho biết vợ anh bị dụ đầu tư vào tiền ảo. Các đối tượng đã tiếp cận vợ anh M. trên mạng và sử dụng chiêu trò tặng trước cho vợ anh 200 USD để mở tài khoản và hướng dẫn. Vợ anh M. ghi nhận nhiều lần có tiền lãi nên đã dính bẫy với số tiền 3 tỷ đồng.

Anh M. cho biết: “Số tiền 3 tỷ đồng này vợ tôi vay mượn từ người thân, bạn bè và cả vay nóng của tín dụng đen. Vì thiếu hiểu biết và ham lợi nhuận cao mà giờ đây gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần khắp nơi. Khổ nhất là số tiền vợ tôi vay của tín dụng đen, giờ ngày nào họ cũng gọi điện thoại hăm dọa những người thân, bạn bè của gia đình để đòi nợ”.

Về bản chất, những thủ đoạn, chiêu thức tinh vi đầu tư tiền ảo là vẽ lên một dự án hứa hẹn lợi nhuận cao rồi huy động vốn theo mô hình ponzi, nghĩa là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Về cơ bản, vẫn phải nạp tiền trước, rồi được chiết khấu số tiền nhỏ.

Vòng xoáy này chỉ dừng lại khi nhà đầu tư hết tiền để theo tiếp hoặc dự bán bị phát hiện là lừa. Ngay lập tức, đối tượng lừa đảo lúc này sẽ đóng dự án, và xóa ứng dụng. Về sau lại vẽ lên dự án mới để tiếp tục lừa đảo. Hình thức này cứ lặp theo vòng tuần hoàn từ sàn vàng, dự án bất động sản, đầu tư ngoại hối đến siêu dự án kinh doanh… Và chỉ cần cả tin và ham lời thì ai cũng sẽ bị sập bẫy.

Khi quyết định đầu tư, sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận là yếu tố quan trọng. Đó là số tiền đầu tư, khả năng sinh lời và thời gian hoàn vốn. Dù dự án nào có ít rủi ro thì tỷ suất sinh lời hơn 25%/ năm thì chắc chắn là có vấn đề.

Thế nhưng, sau khi người chơi thành công gửi tiền, các đối tượng sẽ báo lỗi hệ thống và nạn nhân sẽ không nhận được tiền lãi và nguy cơ mất hết số tiền đã nạp.

Và khi biết bị lừa, nạn nhân muốn bán hết số coin trong ví thì cũng sẽ phát hiện tiền trong ví đã mất hoàn toàn và không thể triển khai được giao dịch.

Pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm đầu tư tiền ảo, tuy nhiên không xem đây là ngành, nghề kinh tế của quốc gia. Và một điều nữa là hiện pháp luật không có quy định cụ thể về hình thức đầu tư này. Bởi vậy, các nhà đầu tư sẽ chịu nhiều rủi ro khi chưa có quy định điều chỉnh về vấn đề này.

Cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo
Pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm đầu tư tiền ảo, nhưng không xem đây là ngành, nghề kinh tế

Bởi vậy, nếu gặp rủi ro khi chơi thì người chơi cũng khó được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích. Ngoài ra, khi phát hành, dùng các phương thức thanh toán không hợp pháp mà chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng theo điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Dựa theo Điều 206 Bộ luật Hình sự, người phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo không hợp pháp còn có thể bị truy cứu về trách nhiệm hình sự với Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, và hoạt động khác liên quan, mức phạt tù lên tới 20 năm.

Một số điều cần lưu ý

Nhà đầu tư nên kiểm tra tính pháp lý của các dự án đầu tư, sàn giao dịch đầu tư tài chính như Doanh nghiệp tên là gì? Có đăng ký kinh doanh không? Có trụ sở tại Việt Nam không? Có ký hợp đồng đầu tư tài chính với người chơi không…

Bởi lẽ, nếu có tranh chấp sau này thì nhà đầu mới được bảo vệ bởi pháp luật.

Bên cạnh đó, không nên tin tưởng và đầu tư vào các dự án có cam kết lợi nhuận khủng. Bởi lẽ, kẻ lừa đảo thương cam kết mức lãi suất cao vì lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh.

Đó là một trong những chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, tuyệt đối không được quá tin vào những lời chào mời về mức lợi nhuận và lãi suất, thay vào đó nhà đầu tư cần tìm hiểu hệ thống vận hành kỹ càng và cách mà các dự án sinh ra lợi nhuận.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, nhận diện và phòng ngừa lừa đảo là điều rất quan trọng. Bởi vậy, cần luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch được xác thực, có uy tín.

Nếu bị lừa đảo, cần làm đơn tố cáo gửi tới công an tạm trú hoặc thường trú để được giải quyết. Theo đó, người làm đơn cần chuẩn bị đơn tố cáo; giấy tờ, chứng cứ chứng minh bị lừa đảo, giấy tờ nhân thân của nạn nhân…

Có thể liên hệ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05); hoặc Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; hoặc Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công An.

Trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin (AIS) là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về thông tin. Thông tin liên hệ: email [email protected], số điện thoại: 024 3209 6789.