Khảo sát cho thấy, đã có khoảng 21 ngân hàng giảm lãi suất kể từ đầu tháng 9 tới nay. Trong đó, cả 4 ngân hàng thuộc nhóm Big4 đều đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng về mức 5,5%/ năm.

"Lãi suất huy động đã giảm khá mạnh rồi. Mặt bằng lãi suất huy động cũng đã về vùng mà theo cá nhân tôi thì lãi suất huy động khó có thể giảm thêm nữa. Bởi đây là mức lãi suất phù hợp với mức lạm phát bình quân của VN 2023-2024, tức đâu đó khoảng 3-4%. Nếu như tiếp tục giảm lãi suất huy động mạnh hơn nữa thì có thể gây áp lực lên việc huy động vốn vì lãi suất thực không còn đủ hấp dẫn với người dân", theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Công ty Dữ liệu WiGroup nhận định.

Dường như lãi suất tiền gửi 7%/ năm đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường, Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng giảm. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất tại một số ngân hàng hiện nay cũng đã giảm. Ngân hàng phải chọn một số doanh nghiệp khả thi thì mới giải ngân. Nhìn chung, điều chỉnh về lãi suất đã giảm. Hầu hết các ngân hàng đều giảm từ 1-1,5% và cũng đã có một số ngành được ưu tiên.

Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay còn rất lớn
Sự chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay hiện nay vẫn còn rất lớn

Tuy nhiên, thực tế cho thế lãi suất vay của một số ngân hàng vẫn ở mức cao. Các ngân hàng thương mại tư nhân đã điều chỉnh giảm lãi suất vay với khách hàng cũ. Thế nhưng, lãi suất ở một số ngân hàng là 12-14% vẫn cao.

"Chúng ta đã nhìn thấy đã có những tín hiệu khá là rõ rệt, đó là lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vay. Thế nhưng phải nói rằng nguồn vay này chưa thể ngay lập tức tốt ngay. Bởi hiện mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao. Do vậy, chúng ta vẫn đang cần thời gian để mức lãi suất này về vùng hấp dẫn. Theo khảo sát của chúng tôi thì mức này cần về mốc 8-9%", theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn.

PGS.TS Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đã khẳng định lãi suất tiền gửi và tiền vay có sự chênh lệch. Theo ông phân tích, lãi suất tiền gửi giảm nhanh và các ngân hàng đã công bố. Thế nhưng, dù một số nhà băng đưa ra lãi suất khá thấp, nhưng cần chú ý rằng họ thường sẽ công bố mức lãi suất ưu đãi nhất, tuy vậy khách hàng khó tiếp cận được mức này.

Thực tế cho thấy lãi suất cho vay không nhanh như những gì mà các ngân hàng thương mại công bố. Bởi vậy, lãi suất cho vay và tiền gửi có sự chênh lệch lớn.

Trong bối cảnh lãi suất điều hành của NHNN cùng lãi suất huy động giảm nhanh, lãi suất vay dù hạ nhiệt nhưng chưa giảm nhiều. Mặt khác, ngân hàng có thể “chữa bệnh thừa tiền” thông qua việc tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân ở thời điểm này. Mục tiêu đề ra cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2023 rơi vào khoảng 14-15%. Tuy nhiên, tín dụng nền kinh tế tính đến hết tháng 8 đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm ngoái, mặc khác tăng 9,87% so với cùng kỳ.