Fed có động thái ôn hòa

Thời gian qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Với chính sách siết chặt tiền tệ năm 2023 thì mục tiêu cao nhất của Fed là kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu 2%. Do đó, lãi suất cơ bản Fed Fund Rate liên tục tăng cao đã tác động tới lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD duy trì đà tăng năm nay.

Đặc biệt, sau khi cuộc họp của Fed diễn ra vào tháng 6, 7/2023, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm liên tục neo cao, có thời điểm vượt đỉnh của giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK Mỹ, khi chỉ số S&P 500 xác lập đỉnh ngắn hạn vào tháng 8 và duy trì giảm từ đó cho đến tháng 11.

Chứng khoán Việt Nam “nắm tay” chứng khoán Mỹ tăng trưởng dài hạn
Fed đã có nhiều động thái ôn hòa hơn

Ở cùng chiều đà tăng lợi suất TPCP, đồng USD phục hồi khi Fed có các động thái mạnh hơn về việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng trong cuộc họp vào tháng 12 vừa qua, hành động của Fed ôn hòa hơn nhiều trong phản ứng chính sách tiền tệ và dự báo thị trường.

Mức lãi suất vẫn được giữ nguyên và đặt mục tiêu 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024. Dù thấp hơn 4 lần so với dự báo trước đó của thị trường, nhưng điểm lạc quan là Fed vẫn tự tin: “không có một kịch bản cho đợt suy thoái hoặc khủng hoảng xảy ra trong tương lai.”.

Do đó, Fed không quá mạnh tay trong việc nới lỏng trở lại nhằm tránh hậu quả ngược, khiến lạm phát gia tăng, làm mất đi các thành quả suốt 2 năm qua. Nhìn một cách tích cực, Fed có thể đang rất kỳ vọng vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.

Nhìn vào tăng trưởng kinh tế thế giới

Theo một số dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của các tổ chức quốc tế như IMF, HSBC, JP Morgan, Goldman Sachs... để thấy dự báo tăng trưởng dương trong năm 2024. Nhưng nó cũng có sự phân hóa, cụ thể tại châu Âu ghi nhận sự lạc quan cao hơn so với năm 2023 rất nhiều, trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp hơn. Song dường như Mỹ sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái như giới chuyên gia lo ngại.

Riêng với Nhật Bản và Trung Quốc, đây là hai khu vực vẫn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng trái chiều với Mỹ và EU khi đối diện với lạm phát thấp, hoặc giảm phát. Việc này ảnh hưởng lớn tới tình hình tăng trưởng của hai nước này.

Việt Nam có nhiều dự báo lạc quan hơn với mức tăng trưởng sáng, xấp xỉ 6% như trước đó Quốc hội chính thức “bấm nút KPI” cho Chính phủ Việt Nam trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới, Việt Nam có khả năng cao đạt mức đề ra.

Chứng khoán Việt Nam “nắm tay” chứng khoán Mỹ tăng trưởng dài hạn
Việt Nam có nhiều dự báo lạc quan

Về lạm phát, năm 2024 giảm áp lực hơn nhiều, mức lạm phát tại Mỹ và EU có thể thấp hơn đáng kể. Duy chỉ Nhật Bản và Trung Quốc vẫn duy trì lạm phát ở mức thấp, tương đồng với Việt Nam.

Ngân hàng trung ương không còn lo ngại tình trạng lạm phát như năm 2022, đầu năm 2023 và hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu quan tâm trở lại với tăng trưởng. Các ngân hàng trung ương chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, tức lãi suất cơ bản của họ đều dự báo sẽ giảm vào năm sau.

Dự báo lãi suất Fed Fund Rate năm 2024, dựa trên hai biến số gồm tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng GDP. Dự phóng lãi suất khoảng 4,59%, giảm 0,74 điểm cơ bản so với tỷ lệ Fed Fund Rate năm nay. Song, tỷ lệ dự báo này có thể thay đổi khi dự báo tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ GDP được điều chỉnh.

Phần lớn các nhà đầu tư và chuyên gia trên thị trường đều kỳ vọng mức lãi suất trong năm 2024 là 4,6%, đây là bức tranh sáng hơn nhiều so với năm nay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực trong dài hạn

So sánh và dự báo về tỷ lệ định giá của TTCK các quốc gia, với 4 nước lớn là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, cho thấy P/E năm 2024 đã giảm đáng kể so với năm 2023. Một phần do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh hơn vào năm tới.

Nếu so sánh định giá thị trường trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của quốc gia thì định giá thị trường chứng khoán có sức hấp dẫn hơn nhiều, theo dữ liệu của Tradingeconomic.

Chỉ số S&P500 liên tục xác lập kỷ lục mới và xu hướng tăng cũng được xác lập, cùng với kỳ vọng của các nhà đầu tư về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi TTCK Mỹ đang tăng liên tục thì TTCK Việt Nam vẫn còn “lình xình” quanh ngưỡng 1.100 điểm.

Chứng khoán Việt Nam “nắm tay” chứng khoán Mỹ tăng trưởng dài hạn
TTCK Việt Nam “lình xình” quanh ngưỡng 1.100 điểm

Trong ngắn hạn, VN-Index tương quan nghịch với chỉ số S&P 500, nhưng tương quan thuận với chỉ số Shanghai. Về dài hạn, VN-Index sẽ tích cực và tương quan thuận với chứng khoán Mỹ. Do đó, khi chỉ số S&P 500 xác lập xu hướng tăng dài hạn sẽ thành một yếu tố hỗ trợ tích cực cho VN-Index trong tương lai.

Về dài hạn, VN-Index ít tương quan với chỉ số Shanghai, cũng tức là nhà đầu tư nên quan sát kỹ hơn về tính tương quan cùng chiều của TTCK Việt với chứng khoán Mỹ.

Về triển vọng TTCK năm 2024, sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực, như: Thanh khoản hệ thống phục hồi bởi những đợt cắt giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3 và chính sách tiền tệ được nới lỏng; Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần vốn Nhà nước giảm, tức lãi suất phi rủi ro giảm, chi phí vay thấp hơn; Các điều kiện vĩ mô khác được cải thiện, tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa, nhu cầu nội địa ổn định trong khi xuất khẩu trên đà phục hồi; Ước tính lợi nhuận năm 2024 tăng xấp xỉ 28% so với cùng kỳ, phục hồi từ mức nền thấp của năm nay; Định giá thị trường “không đắt”.