Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua những phiên giao dịch đầy biến động với áp lực bán chủ động gia tăng mạnh và bất ngờ trong phiên ngày 23/11. Cụ thể, VN-Index ghi nhận mức giảm 25 điểm (tương đương - 2,27%) để lùi về mốc 1.099 điểm. Thị trường rơi vào trạng thái “lên thang bộ, xuống thang máy” khi chỉ tăng với biên độ hẹp, nhưng lại lao dốc rất mạnh.

Vậy xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ ra sao khi VN-Index tiếp tục “thủng” mốc 1.100 điểm? Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Vietinbank (CTS) đưa ra một vài chia sẻ về vấn đề này.

Theo vị chuyên gia, phiên giảm điểm mạnh của thị trường với thanh khoản khá lớn (cộng hưởng từ phiên giảm ngày 17/11) sẽ tiếp tục mang đến tâm lý lo ngại cho thị trường trong giai đoạn tới.

Thực tế, thị trường chứng khoán sau một nhịp hồi tương đối trong thời gian qua sẽ chịu áp lực bán chốt lời ngắn hạn lớn, trong đó, áp lực bán liên tiếp đặc biệt từ khối ngoại lên nhóm VN30 và VN50 cũng phần nào cản đà tăng của thị trường. Bên cạnh đó, thị trường đã có khoảng thời gian gần 2 tuần cố gắng chinh phục kháng cự tại vùng 1.12x – 1.13x điểm nhưng thất bại, điều này khiến tâm lý của bên cầm cổ phiếu có xu hướng mất kiên nhẫn, dẫn đến hàng loạt lệnh bán được tiến hành đồng loạt trong phiên ATC.

Chuyên gia chứng khoán: Nhà đầu tư cần tính đến kịch bản VN-Index “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index

Ngoài ra, ở góc nhìn về định giá, bất chấp việc chỉ số P/E của thị trường đang ở mức 14.x lần (tương đương mức trung bình nhiều năm), chỉ số P/E của một số nhóm ngành, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu chứng khoán và phi tài chính cũng đang ở mức tương đối cao, tương đương giai đoạn đầu năm 2022.

Ở một góc nhìn khác, đà tăng của chỉ số VN-30 đang kém hơn khá nhiều so với đà tăng của nhóm VNMidcap, cho thấy dòng tiền hiện đang tập trung khá nhiều ở nhóm đầu cơ, dòng tiền nóng nên việc quay đầu sẽ tương đối nhanh.

Sau khi thủng mốc 1.100 điểm, chuyên gia đến từ CTS nhận thấy các chỉ báo kỹ thuật đã chuyển sang tín hiệu tiêu cực khá nhiều, đặc biệt với khối lượng bán lớn trong phiên 23/11 và 17/11, hàm ý khối lượng bán lớn sẽ tiếp tục cho thấy rủi ro xu hướng điều chỉnh vẫn có thể tiếp diễn.

Về các yếu tố cơ bản, triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2024 được dự báo tiếp tục xấu đi trước những áp lực trích lập dự phòng nợ xấu.

Bên cạnh các khó khăn hiện hữu tại nhóm doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng có khả năng cũng đối diện với rủi ro khi tiếp tục phải trích lập dự phòng nợ xấu tại các nhóm doanh nghiệp sản xuất khi sức tiêu dùng trong nước suy yếu (thể hiện ở số liệu công bố trong báo cáo tài chính quý III vừa qua) cùng với việc các thị trường xuất khẩu chính (trừ Mỹ) vẫn chưa phát đi tín hiệu về sự phục hồi kinh tế.

Giám đốc phân tích CTS đưa ra dự báo: "Khả năng chỉ số VN-Index tiếp tục áp lực tìm đến những vùng 1.048/ 1.03x/1.000 hoặc thậm chí xuyên thủng mốc 1.000 điểm dù có xác suất xảy ra thấp nhưng vẫn cần được tính đến".

Chuyên gia chứng khoán: Nhà đầu tư cần tính đến kịch bản VN-Index “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm
Sau khi thủng mốc 1.100 điểm, chuyên gia CTS nhận thấy các chỉ báo kỹ thuật chuyển sang tín hiệu tiêu cực khá nhiều

Về chiến lược đầu tư, ông Đào Tuấn Trung cho rằng đầu tư có tỷ trọng lớn cổ phiếu hiện tại có thể tận dụng nhịp hồi phục của thị trường trong những phiên tới khi tiếp cận vùng 1.08x điểm để tiến hàng hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức dưới trung bình.

Đối với hoạt động bắt đáy, cần cẩn trọng quan sát thêm cũng như xem xét sự hấp thụ cung bán tại các vùng đóng vai trò hỗ trợ mạnh của thị trường tại 1.04x-1.050/ 1.03x/1.000 điểm. Trong trường hợp ngưỡng hỗ trợ này bị xuyên thủng, có thể thị trường sẽ giảm mạnh thủng mốc 1.000 điểm để chiết khấu các rủi ro về áp lực trích lập dự phòng vào năm 2024 của nhóm ngân hàng hay một số Bluechips khác (vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30).

Định giá VN-Index không còn rẻ

Có thể thấy, kinh tế vĩ Mô Việt Nam thời gian gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định ở nhiều chỉ số quan trọng. Tuy nhiên, những thách thức cho triển vọng của thị trường chứng khoán vẫn còn lớn, trong đó yếu tố định giá thị trường và thanh khoản là vấn đề đáng lưu tâm.

Mức giảm trên 2% trong phiên giao dịch vừa qua đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất châu Á trong ngày. Đồng thời, phiên giảm mạnh cũng đã “thổi bay” gần 102.000 tỷ đồng (~ 4,2 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 23/11, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,4 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 520 nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh ngắn hạn giữa tháng 9.

Thời gian qua, nhìn chung, VN-Index liên tiếp giằng co trong vùng 1.105 - 1.110 điểm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định ở nhiều chỉ số quan trọng như xuất khẩu, FDI và đầu tư công. Dù vậy, mức giảm lợi nhuận toàn thị trường khoảng 1,7% trong quý III vừa qua đã khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thất vọng. Bởi trước đó họ kỳ vọng những yếu tố tích cực như mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, cầu trong nước phục hồi, bất động sản bớt căng thẳng sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng dương trở lại.

Đáng chú ý, mặt bằng định giá cao cũng đang là yếu tố gây thách thức đối với thị trường chứng khoán. Định giá P/E hiện ở mức 13,1 lần - thấp hơn so với trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và nhiều nhận định cho rằng định giá của thị trường chứng khoán đang ở mức rất hấp dẫn.

Chuyên gia chứng khoán: Nhà đầu tư cần tính đến kịch bản VN-Index “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm
Mặt bằng định giá cao cũng đang là yếu tố gây thách thức đối với thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup cho rằng, nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường chứng khoán. Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường hiện đã cán mốc 23,5 lần - cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay.

Trong đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ là nhóm có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm đến nay và định giá của nhóm này cũng đã vượt đỉnh lịch sử và vượt xa giai đoạn tiền rẻ 2021,

"Nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá và điều này cho thấy câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu ở thời điểm hiện tại", vị chuyên gia cho hay.

Với định giá neo ở vùng đỉnh trong khi kết quả kinh doanh quý III kém hơn kỳ vọng, bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở phía trước. Chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện này nhà đầu tư mới có thể tránh việc mua cổ phiếu giá cao quá đà.

Dưới góc nhìn rộng hơn, một số ý kiến đánh giá những thách thức cho triển vọng năm 2024 vẫn còn rất lớn do những yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam như tình hình thị trường bất động sản và nợ xấu trái phiếu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu dù đã có sự cải thiện nhất định.

Cùng với đó, các yếu tố bên ngoài như triển vọng phục hồi của các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam chưa rõ trong bối cảnh môi trường môi trường lãi suất quốc tế ở mức rất cao gây ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và cầu về xuất khẩu.

Chuyên gia Fiin Group nhận định, mặc dù vĩ mô hiện tại đang ủng hộ cho đà hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết cùng với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo tích cực hơn khi đạt khoảng 8 - 10%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng 20% như giai đoạn Covid-19 kết thúc sẽ rất thách thức.

Bên cạnh đó, một yếu tố đáng chú ý khác là thanh khoản thị trường. Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng dòng vốn rẻ chảy mạnh sang kênh chứng khoán, dù tiền đang có dấu hiệu trở lại thị trường sau giai đoạn đứng ngoài “cuộc chơi”.

“Bối cảnh bây giờ có sự khác biệt so với giai đoạn trước nên chưa thể kỳ vọng dòng vốn dồi dào chuyển dịch sang kênh chứng khoán như đã từng xảy ra”, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận.