Trong báo cáo chiến lược năm 2024 của Chứng khoán MBS cho biết, đà giảm lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường đã thu hẹp đáng kể trong quý 3/2023 với mức giảm chỉ 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Chứng khoán MBS kỳ vọng, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng đang có xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt, lợi nhuận thị trường sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý 4/2023, qua đó đưa lợi nhuận thị trường cả năm 2023 giảm nhẹ 2% so với năm trước.

Chuyên gia MBS dự báo nhóm ngành sẽ “tỏa sáng” trong năm 2024
Theo MBS, điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý 3 và quý 4 của năm 2024

Bước sang năm 2024, MBS kỳ vọng lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với cùng kỳ, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành nhân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. Trong đó, điểm rơi lợi nhuận của thị trường sẽ rơi vào quý 3 và quý 4 của năm 2024, chủ yếu do nền thấp của cùng kỳ năm 2024.

Những nhóm ngành được công ty chứng khoán này kỳ vọng sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2024 bao gồm: Bán lẻ (+129%), vật liệu xây dựng (+40%), điện (+39%), ngân hàng (+25%), thực phẩm đồ uống (+24%), công nghệ (+21%).

Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành như bất động sản dân cư, dầu khí có thể sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2024.

Chuyên gia MBS dự báo nhóm ngành sẽ “tỏa sáng” trong năm 2024
Bán lẻ là ngành được MBS dự báo sẽ "tỏa sáng" trong năm 2024 với mức tăng trưởng lợi nhuận 129%

Với ngành bán lẻ, Chứng khoán MBS dự báo sẽ “tỏa sáng” trong năm 2024 với mức tăng trưởng lợi nhuận 129%. MBS kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện kể từ quý 3/2024 nhờ vào sự phục hồi của sản xuất cũng như môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích tín dụng trở lại. Từ đó, ngành bán lẻ sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 2 lần trong năm 2024 từ nền thấp 2023, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa ở từng mảng khác nhau.

Ngành bán lẻ ICT cũng được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trung bình 3 lần so với cùng kỳ khi cuộc chiến giá lớn nhất kết thúc, kết hợp với sức mua hàng không thiết yếu hồi phục từ cuối năm 2024. Trong đó, ngành trang sức vàng dự báo lợi nhuận tăng 6% so với mức nền cao của năm 2023 từ việc phát triển thêm các tệp khách hàng mới ở các phân khúc khác nhau và linh hoạt bắt kịp các xu hướng mới. Ngành bán lẻ dược phẩm cũng có lợi thế từ khả năng mở mới cửa hàng cũng như kiểm soát chi phí bán hàng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm.

Đối với ngành ngân hàng, MBS dự báo có tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2024 nhờ mức nền thấp năm 2023. Động lực lợi nhuận cải thiện được kỳ vọng đến từ tăng trưởng tín dụng khả quan cùng với Nim được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng được MBS theo dõi dự báo sẽ tăng trưởng 25,1% so với cùng kỳ trong năm 2024.

Ngành thép cũng được dự báo biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sẽ phục hồi sau khi tạo đáy vào nửa cuối năm 2022. Trong năm 2023, giá nguyên vật liệu than và quặng lần lượt giảm 30% và 20% so với cùng kỳ đã tác động tích cực lên biên gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép. Với những doanh nghiệp tôn mạ như HSG hay NKG, biên lợi nhuận gộp phân hóa trong bối cảnh giá thép tại EU và Mỹ hạ nhiệt, đồng thời phụ thuộc vào thời gian ký kết giá và thị trường xuất khẩu của từng doanh nghiệp.

Đội ngũ chuyên gia phân tích tại MBS kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép sẽ cải thiện từ mức trung bình 8% trong năm 2023 lên 13% năm 2023 nhờ dự báo giá thép phục hồi khoảng 8% so với cùng kỳ và giá vật liệu giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ.

Chuyên gia MBS dự báo nhóm ngành sẽ “tỏa sáng” trong năm 2024
Ngành ngân hàng cũng được MBS dự báo có tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2024 nhờ mức nền thấp từ năm 2023

Chứng khoán vẫn được đánh giá cao trong năm 2024

Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số VN-Index mới tăng 11% và vẫn quanh mốc 1.100 điểm khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi buồn lòng trong những ngày cuối năm.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo chuyên gia, năm 2024, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết đại 15 - 20%, một phần dựa trên nền thấp của năm 2023 và tăng trưởng GDP dự báo ở mức trên dưới 6%, cao hơn mức 5% của năm 2023. Trong kịch bản tích cực, kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và Phát triển sản phẩm khối Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, kinh tế vĩ mô 2024 của Việt Nam và thế giới sẽ diễn biến theo chiều hướng thuận lợi, lãi suất tiếp tục giảm. Đặc biệt, P/E vẫn ở mức rẻ hơn so với trung bình 5 năm qua, đang ở mức 14,7 lần.

Bên cạnh đó, chỉ số S&P 500 đã xác lập mức tăng kỷ lục vào quý III/2023 vừa qua, trong khi đó, chỉ số VN-Index vẫn chưa tăng theo. Trong khi từ trước đến nay, chứng khoán Việt Nam thường thuận chiều với chứng khoán Mỹ, điều này dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại cùng chiều với chứng khoán Mỹ trong năm 2024.

Ngoài ra, lãi suất đang bước vào cuối chu kỳ và sẽ chính thức suy giảm vào năm 2024. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong năm 2024 mà được dự báo sẽ giảm.

Vị chuyên gia đến từ Yuanta Việt Nam cho rằng, việc lãi suất huy động của 4 ngân hàng lớn vẫn tiếp tục theo chiều hướng giảm sẽ chiết khấu vào doanh nghiệp niêm yết khiến giá cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.