Doanh nghiệp cố gắng có lương tháng 13 cho người lao động dù khó khăn

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - ông Phạm Xuân Hồng cho biết, câu chuyện thưởng Tết chính là bài toán khó của ngành dệt may, da giày trong năm nay. Tuy nhiên bắt buộc các doanh nghiệp nếu đang còn hoạt động thì phải giải được bài toán này dù có lãi hay lỗ. Cũng theo ông, đa số doanh nghiệp dệt may thêu đan trải qua một năm thua lỗ, doanh số phổ biến đạt mức cao nhất chỉ 75 - 80%, so với kế hoạch còn lại chỉ đạt 50 - 70% kế hoạch. Mặc dù vậy, cập nhật đến nay, các doanh nghiệp cho biết mức thưởng cho công nhân nếu như cân đối tốt thì nhiều nhất là thêm một tháng lương tháng 13, ít nhất cũng nửa tháng. Với mức lương công nhân may mặc trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng thì mức thưởng tết dành cho họ dao động là từ 4 - 10 triệu đồng.

Còn đại diện một doanh nghiệp da giày lớn ở Đồng Nai cho biết, năm vừa qua số lượng công nhân giảm mạnh theo lượng đơn hàng đi xuống. Từ con số gần 22.000 lao động thì đến hiện tại công ty chỉ còn hơn 18.000 người, chủ yếu là số lao động biến động tự nhiên. Nếu như trước đây, mỗi năm khi lao động xin nghỉ hay đổi nghề thì công ty sẽ tuyển mới để có thể đảm bảo được hoạt động sản xuất. Tuy nhiên liên tục trong 2 năm 2022 - 2023 thì công ty lại không tuyển thêm nhân công bởi vì đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Chính vì thế mà lượng lao động còn lại xuống thấp.

Chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp may mặc, da giày: Khó khăn vẫn cố có lương tháng 13 cho người lao động
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày trong năm 2023 sụt giảm và nhiều doanh nghiệp không có lãi. Mặc dù vậy thì các công ty vẫn cố gắng có thưởng cuối năm để cho người lao động đón Tết một cách trọn vẹn hơn. Nguồn ảnh: Internet

Cũng theo dự báo của ông, tình hình trong năm 2024 vẫn khá khó lường bởi vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu, hoạt động của các đối tác lớn. Mặc dù vậy thì công ty vẫn thưởng cho người lao động sau một năm kinh doanh và nhân dịp Tết Nguyên đán. Mức thưởng dự kiến sẽ tính theo thâm niên lao động, thấp nhất là 1 tháng lương đến 1,98 tháng lương (gần 2 tháng). Ví dụ như công nhân làm việc đủ từ 1 đến dưới 2 năm là 1 tháng lương, cao nhất là gần 2 tháng lương là những người làm việc đủ 12 năm trở lên. Với mức lương công nhân dao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, mỗi người sẽ nhận được số tiền thưởng Tết từ 8 - 19 triệu đồng.

Cũng tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - ông Phạm Văn Việt cho biết, các năm trước mức thưởng cho công nhân, người lao động của công ty xông xênh vài ba tháng lương, hiện nay công ty phải cắt giảm nhiều, cố gắng có thêm lương tháng 13 cho tổng cộng khoảng 3.200 lao động. Về phần mình thì Tập đoàn Vinatex, doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất ngành dệt may dự tính vẫn thưởng lương tháng 13 cho người lao động, một số đơn vị thành viên có lãi có thể thưởng 2 tháng lương.

Cũng có trường hợp đặc biệt như Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc Dony cho biết, mức thưởng cho người lao động thấp nhất là 1 tháng lương, cao nhất là 3 tháng lương. Tổng giám đốc Phạm Quang Anh cho biết: “May mắn năm qua là công ty mở rộng sang được thị trường Nga và Đông Nam Á, phát triển mạnh ở thị trường nội địa cho nên doanh số tăng 21%, trong khi kỳ vọng chỉ tăng 10%. Cho nên, hàng đi, tiền về và chi thưởng cuối năm cho công nhân ngay. Đáng chú ý, bên cạnh tiền thưởng thì những công nhân xuất sắc được thưởng thêm 0,5 đến 3 chỉ vàng, còn có tiền để dành”.

Chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp may mặc, da giày: Khó khăn vẫn cố có lương tháng 13 cho người lao động
Khó khăn vẫn cố có lương tháng 13 cho người lao động. Nguồn ảnh: Internet

Trong khi đó thì Tổng giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh - ông Trần Thế Linh cho biết, kết thúc năm 2023, công ty bị thua lỗ bởi đơn hàng không đủ sản xuất. Song song với đó, đơn giá giảm mạnh và nhiều đơn hàng công ty cho biết sẽ bị lỗ từ 1 - 2 USD/ đôi giày tuy nhiên vẫn chấp nhận để duy trì việc làm cho công nhân. Có nhiều tháng trong năm qua, công nhân chỉ làm việc từ 4 - 5 ngày/tuần và thu nhập cũng sụt giảm. Có một số người tự xin nghỉ, công ty cũng sắp xếp, tinh giản nhân sự nên từ hơn 2.200 lao động đến hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 người. Mặc dù vậy thì tháng cuối năm 2023, bước sang năm mới 2024 tình hình đã bớt đi khó khăn. Hiện tại, công ty đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết quý 1/2024.

Ông Trần Thế Linh chia sẻ: “Năm 2023 quá khó khăn, mặc dù vậy thì công ty vẫn quyết định có lương tháng 13 cho người lao động để họ đón Tết cổ truyền. Đó cũng là truyền thống lâu năm của doanh nghiệp. Kỳ vọng năm mới này tình hình sẽ đỡ khó khăn hơn cho cả ngành da giày”.

Năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh thị trường nội địa

Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nếu như năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, so với năm 2021 tăng gần 10% thì sang đến năm 2023 chỉ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 10%. Bên cạnh việc đơn hàng sụt giảm thì đơn giá sản xuất cũng giảm bình quân 30% và thậm chí có một số chủng loại giảm đến 50%.

Chủ tịch VITAS - ông Vũ Đức Giang kỳ vọng năm 2024, thị trường sẽ ấm dần và hồi phục bởi vì nhu cầu mua sắm quay trở lại. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2024 đặt mục tiêu là 44 tỷ USD, so với năm qua tăng hơn 9%. Mặc dù vậy, theo ông Phạm Xuân Hồng thì ngành này vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức khi mà tình hình thế giới cũng như thị trường chưa thực sự ổn định, bất ổn địa chính trị xảy ra liên tục gây bất ổn cho xuất khẩu. Ông Hồng nhận xét: “Thị trường nội địa đang có dấu hiệu hồi phục tốt, những doanh nghiệp làm hàng nội địa hay quay lại thị trường nội địa thành công có thể hồi phục tốt hơn doanh nghiệp xuất khẩu”.

Chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp may mặc, da giày: Khó khăn vẫn cố có lương tháng 13 cho người lao động
Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nếu như năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, so với năm 2021 tăng gần 10% thì sang đến năm 2023 chỉ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 10%. Nguồn ảnh: Internet

Có liên quan đến tình hình xung đột mới đây ở khu vực biển Đỏ, ông Phạm Quang Anh nói rằng, một lô hàng của công ty xuất qua Jordan đang bị neo ở cảng Singapore hơn 2 tuần bởi cảng biển duy nhất của Jordan đang bị tạm đóng bởi vì các vụ tấn công vào tàu container trên biển đỏ. Ông Phạm Quang Anh nói rằng: “Tôi có dự báo khá lạc quan với thị trường trong năm tới, mặc dù vậy công bằng mà nói thì nếu như phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, đặc biệt là tập trung vào thị trường chủ lực khi gặp xung đột về địa chính trị thì sẽ rất khó để xoay xở”.

Và Tổng giám đốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc Dony cũng nhận định thêm: “Trong năm qua, xuất khẩu của công ty vào thị trường Mỹ đã giảm mạnh, bù lại thì mở rộng được sang thị trường Nga và Đông Nam Á. Mặc dù vậy, theo tôi thì thị trường nội địa đang là khu vực hấp dẫn mà rất nhiều nhà sản xuất xuất khẩu hàng dệt may, da giày bỏ qua. Nếu như cố bám trụ được thị trường nội địa gần 100 triệu dân như Việt Nam, có doanh số từ 40% trở lên thì mọi biến động trên thế giới sẽ không gây ảnh hưởng nhiều. Tăng trưởng của công ty trong năm qua phần lớn là nhờ vào thị trường nội địa. Kế hoạch trong năm tới của công ty sẽ tập trung vào thị trường nội địa và mức tăng dự kiến là 15%. Và với mức tăng trưởng này thì công ty không cần phải đầu tư nhiều hơn, chỉ cấu trúc lại để giảm rủi ro, giảm hàng tồn mà thôi. Đầu tư lớn lúc này rất dễ gặp rủi ro”.

Chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp may mặc, da giày: Khó khăn vẫn cố có lương tháng 13 cho người lao động
Kỳ vọng năm 2024, thị trường sẽ ấm dần và hồi phục bởi vì nhu cầu mua sắm quay trở lại. Nguồn ảnh: Internet

Để có thể chuẩn bị cho giai đoạn thị trường hồi phục thì các doanh nghiệp dệt may, da giày cho biết đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Đối với may mặc, ông Vũ Đức Giang cho biết, định hướng phát triển của ngành là tiến dần lên những phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Để có thể thực hiện được quá trình chuyển đổi này thì rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sớm đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, kinh doanh và thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng đồng thời bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế.