Cổ phần hóa “ông lớn” ngành xây dựng: Vicem, Lilama, Licogi, Viwaseen… gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Cổ phần hóa “ông lớn” ngành xây dựng: Vicem, Lilama, Licogi, Viwaseen… gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Cổ phần hóa chậm, tỷ lệ vốn nhà nước còn rất cao

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra “Việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng”.

Theo kết luận, trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCT thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018 còn một số tồn tại, khuyết điểm, vi phạm. Đến thời điểm thanh tra, còn nhiều TCT chưa hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết, số lượng các công ty chưa thực hiện đầy đủ và toàn diện việc tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, tài chính, quản trị, cơ cấu lại các khoản nợ, các khoản đầu tư…, chưa hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại còn khá lớn, việc thoái vốn các khoản đầu tư đạt tỷ lệ thấp…

Cụ thể, TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama), theo Đề án tái cơ cấu được Bộ Xây dựng phê duyệt có 23 doanh nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại. Nhưng đến thời điểm thanh tra mới hoàn thành sắp xếp, thoái vốn tại 7 doanh nghiệp, thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp nhưng chưa đạt tỷ lệ vốn nắm giữ của TCT tại các công ty này, chưa hoàn thành tại 11 doanh nghiệp.

Tại TCT Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), có 9 công ty phải sắp xếp cơ cấu lại. Nhưng đến thời điểm thanh tra mới hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại 1 công ty. TCT Sông Đà phải sắp xếp, cơ cấu lại 31 công ty, chưa hoàn thành tại 18 công ty. TCT Fico phải sắp xếp 14 công ty, đã thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại 3 công ty, chưa hoàn thành theo đề án phê duyệt 11 công ty.

TCT Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), có 7 công ty phải thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại nhưng đến thời điểm thanh tra chỉ hoàn thành 2 công ty. TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) phải sắp xếp, cơ cấu lại 14 công ty, nhưng đến thời điểm thanh tra mới sắp xếp hoàn thành tại 7 công ty.

Đáng chú ý, sau cổ phần hóa, nhiều TCT có tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất cao như TCT Sông Đà, vốn nhà nước vẫn chiếm 99,79%; tại VNCC vốn nhà nước chiếm 87,32%; TCT Lilama 97,88%; TCT COMA 98,76%; TCT Viwaseen – CTCP 98,16%... là chưa hoàn thành việc tái cơ cấu, CPH, thoái vốn theo đề án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Cổ phần hóa “ông lớn” ngành xây dựng: Vicem, Lilama, Licogi, Viwaseen… gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Cổ phần hóa “ông lớn” ngành xây dựng: Vicem, Lilama, Licogi, Viwaseen… gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác khoảng 5.690 tỷ đồng

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra về xử lí tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 10 công ty mẹ - TCT cho thấy, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lí với số tiền (tạm tính) đến thời điểm thanh tra (31/12/2019) là hơn 5.690 tỷ đồng.

Thanh tra xác định một số TCT chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ đối với công nợ phải thu, phải trả là không đúng quy định; xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, không chính xác, không đúng quy định, thiếu khoản lãi tiền gửi, giá trị thương hiệu, khấu hao công cụ dụng cụ… với tổng số tiền 23.330 triệu đồng (TCT Viwaseen 390 triệu đồng; Fico 6.443 triệu đồng; Lilama 3.621 triệu đồng, Vicem 11.943 triệu đồng).

Thanh tra việc xác định giá trị một số tài sản, nhà cửa vật kiến trúc trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá cho thấy, một số tài sản được xác định giá trị chưa chính xác, thấp hơn quy định, làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Kết luận nêu rõ, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 3 TCT: Vicem, Licogi, Viwaseen đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền hơn 1.879 tỷ đồng.

Cụ thể, tại Vicem, không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sản đối với các mỏ đá vôi, đất sét với tổng số tiền tạm tính là 1.507 tỷ đồng.

Trong khi đó, Licogi tính thiếu hơn 348 tỷ đồng về giá trị chi phí cơ hội tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt; Viwaseen tính thiếu 23,8 tỷ đồng về giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, quá trình xử lí tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lí, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỷ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.

Kết luận thanh tra vạch rõ, trong 10/16 TCty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lí, sử dụng khoảng 1.348.172 m2 đất. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa, một số Tổng Công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất; chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đáng chú ý, một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất địa phương.

Đến thời điểm thanh tra, một số địa phương chưa có văn bản tham gia ý kiến về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, chưa phê duyệt giá đất chính thức để xác định giá trị đối với tài sản là đất đai trong giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa các TCT.

Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, 5/10 TCT sau khi được cấp giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần, một số TCT chậm nộp đối với tiền thu từ cổ phần hóa, chậm nộp khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa. Tổng số tiền gốc và khoản lãi chậm nộp tạm tính đến thời điểm 31/12/2019 là 733.612 triệu đồng; ngoài ra Công ty CP Phát triển Nhà Khánh Hòa (Công ty con của TCT Sông Đà) còn phải nộp khoản tiền lợi nhuận dự thu tạm tính của 27 lô đất là 2.537 triệu đồng.

Bộ Xây dựng kiểm tra tại 10 TCT thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011 – 2018 bao gồm: Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Viglacera, Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Sông Đà, Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Xây dựng số 1 (CC1), Vật liệu xây dựng số 1 (Fico), Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Cơ khí xây dựng (Coma).

Châu Giang