Trong tuần qua, nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới giao dịch bùng nổ với kỳ vọng lãi suất giảm cùng nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Tuy nhiên, sức ép từ đà bán ròng của khối ngoại đã khiến chứng khoán Việt vẫn giao dịch ảm đạm.

Giá trị bán ròng đạt hơn 15.000 tỷ đồng trong 11 tháng

Theo phân tích của TS Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán DNSE, thị trường tài chính thế giới đang ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2022 cho đến nay. Gần đây nhất, thông điệp từ cuộc họp của Fed cho thấy, lãi suất mục tiêu vào cuối năm 2024 có thể sẽ giảm xuống 4,6%, trong khi cuộc họp đầu tháng 11 dự báo ở mức 5,1%. Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ có thêm 1-2 lần cắt giảm lãi suất so với kế hoạch do lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn dự báo và tăng trưởng kinh tế chậm chạp hơn.

Đà bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục tạo sức ép lên chứng khoán Việt
Sức ép từ đà bán ròng của khối ngoại đã khiến chứng khoán Việt vẫn giao dịch ảm đạm. Ảnh minh họa

Điều đáng nói, thông điệp từ Fed đã tạo nên một cú hích lớn cho thị trường tài chính. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trên thị trường trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh 0,3 điểm % chỉ trong 2 ngày. Đồng thời, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) cũng giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023.

Trên thị trường chứng khoán, hàng loạt chỉ số lớn như S&P500 của Mỹ, DAX của Đức đua nhau phá đỉnh lịch sử. Chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc họp của Fed cũng đóng cửa với sắc xanh ngập tràn, mức tăng mạnh trên 1%.

Ngược chiều thế giới, thị trường chứng khoán Việt lại ghi nhận VN-Index giảm liên tục trong 4 phiên gần nhất, trong tuần qua đã mất 30 điểm. Liên quan đến vấn đề này, TS Hồ Sỹ Hòa cho biết, diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt có thể được lý giải từ việc bán ròng của khối ngoại với giá trị lớn trong 3 ngày liên tiếp, thậm chí có phiên bán đến 1.500 tỷ đồng. Động thái này đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và thị trường.

Thống kê cho thấy, khối ngoại đã liên tục bán ròng trong 8 tháng gần nhất. Tính riêng trong tháng 11/2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Giá trị bán ròng lũy kế 11 tháng đầu năm là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng trên sàn HoSE là hơn 17.000 tỷ đồng.

Đà bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục tạo sức ép lên chứng khoán Việt
Tính riêng trong tháng 11/2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Ảnh minh họa

Theo phân tích của ông Đinh Minh Trí, Trưởng Phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Mirae Asset, VN-Index khoảng 2 tháng gần đây vẫn giữ được xu hướng tăng nhưng lại không mạnh. Đồng thời, diễn biến của chứng khoán Việt có phần tương tự một số thị trường trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan… bởi khối ngoại đang miệt mài bán ròng trong khi các nhà đầu tư trong nước lại tỏ ra thận trọng. Ông Trí nhận định, các nhà đầu tư ngoại đang có xu hướng dịch chuyển một phần vốn ra khỏi những thị trường mới nổi và cận biên nhằm giải ngân tại những thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ.

Dễ dàng thấy được, áp lực bán ròng của khối ngoại một phần đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra ở một số quỹ ETF lớn, điển hình là bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) và DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30) của Dragon Capital đều đã và đang bị nhà đầu tư Thái Lan xả hàng mạnh qua chứng chỉ lưu ký (DR). Lượng chứng chỉ quỹ FUEVFVND tính đến cuối tháng 11/2023 trong tay người Thái đã giảm khoảng 21,4 triệu đơn vị so với mức đỉnh giữa tháng 2. Từ đầu năm 2023, nhà đầu tư Thái Lan cũng đã bán ròng hơn 56 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30.

Chưa kể, hoạt động thoái vốn của các tổ chức nước ngoài là cổ đông lớn và cổ đông chiến lược tại các doanh nghiệp cũng là yếu tố khiến cho đà bán ròng của khối ngoại tăng cao. Ngoài ra, định giá chưa thực sự hấp dẫn cũng là yếu tố khiến khối ngoại chưa tích cực ‘gom hàng’. Bên cạnh đó còn có những lo ngại về ảnh hưởng của loạt sự kiện quốc tế như chính sách của Fed, biến động lãi suất, giá dầu, tỷ giá leo thang… Đặc biệt, việc điều hành lãi suất của Việt Nam trái ngược với thế giới cũng khiến dòng vốn nước ngoài thêm thận trọng.

Tóm lại, giao dịch của khối ngoại chiếm chưa đến 10% giá trị giao dịch toàn thị trường, tuy nhiên động thái bán ròng liên tục của khối ngoại vẫn có những tác động tương đối đến tâm lý chung của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Mặt khác, tâm lý của nhà đầu tư nội cũng ngày càng vững vàng hơn trước.

Đà bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục tạo sức ép lên chứng khoán Việt
Giao dịch của khối ngoại chiếm chưa đến 10% giá trị giao dịch toàn thị trường, tuy nhiên động thái bán ròng liên tục của khối ngoại vẫn có những tác động tương đối đến tâm lý chung của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Ảnh minh họa

Được hỗ trợ từ nhiều yếu tố tích cực

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, trong năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, giúp những thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam) được hưởng lợi. Chính sách tiền tệ của Fed hài hòa hơn cũng giảm áp lực tỷ giá USD/VND, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, động thái mạnh tay của Chính phủ và cơ quan quản lý trong thời gian gần đây cũng chứng tỏ, các cấp lãnh đạo đang rất quan tâm đến sự phát triển của thị trường chứng khoán.