Bộ Tài chính dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số ICT

Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam - Ông Phạm Thu Phong khi phát biểu khai mạc Diễn đàn đã cho biết trong nhiều năm, Bộ Tài chính tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính - ngân sách, hướng tới nền tài chính số tiên phong, hiện đại, phục vụ tốt cho việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đánh giá cao công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp
Toàn cảnh Diễn đàn

Bộ Tài chính liên tiếp 7 năm dẫn đầu trong xếp hạng về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Với các kết quả tích cực này, việc chuyển đổi số của ngành Tài chính được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Nhất là các lĩnh vực thuế, hải quan, luôn tiên phong trong công tác chuyển đổi số với những kết quả ấn tượng như: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; 250 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện qua Cơ chế Một cửa quốc gia...

Xây dựng các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân; Đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…

Trong lĩnh vực thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, những năm qua, ngành Thuế vẫn luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý tới phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung và đáp ứng yêu cầu của Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

“Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giúp họ tham gia quá trình chuyển đổi số” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ.

Đánh giá cao công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Ông Đặng Ngọc Minh

Với lĩnh vực hải quan, Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan một cách hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với những cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan để làm cơ sở xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao.

Đến năm 2025, ngành phấn đấu số hóa 100% thủ tục hải quan được và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa (đến năm 2030, 100% hồ sơ được số hóa);...

Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp

Tại diễn đàn, Trưởng ban Hội viên và Đào tạo VCCI - Ông Nguyễn Bắc Hà cho hay, thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới nay công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã cho thấy những kết quả rất rõ rệt, nhất là việc nhận thức về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân liên tục được nâng cao.

Với Bộ Tài chính, công cuộc chuyển đối số trong lĩnh vực thuế và hải quan hiện nay đã đạt được những cơ sở quan trọng ban đầu của quá trình này.

Đánh giá cao công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp
Chuyển đối số trong lĩnh vực thuế và hải quan hiện đã có những thành tích rõ rệt

Tuy nhiên theo đại diện của VCCI, công tác chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi sự vận động, tích cực chuyển mình từ các chỉ đạo từ trên xuống dưới, sự trang bị cơ sở kỹ thuật đồng bộ với nền tảng pháp lý căn bản tương ứng.

Như vậy, nếu muốn đạt được sự thành công trong quá trình chuyển đổi số ngành Thuế và ngành Hải quan, thì những yếu tố giữ vai trò then chốt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, của Bộ Tài chính và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống thuế, hải quan với những giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý cho tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, hải quan.

Bên cạnh đó là sự đồng hành của nhân dân, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Từ đó tạo ra động lực để thúc đẩy phát triển và thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan.

“Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến ngành Thuế, Hải quan đã luôn theo sát đồng hành cùng các doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua; thường xuyên phối hợp cùng với VCCI trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cộng đồng doanh nghiệp; từng bước minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức trong giai đoạn vừa qua và chặng đường sắp tới” - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo VCCI nói.