Thiếu nguồn cung nên giải ngân chậm

Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy hiện mới có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Agribank ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án NƠXH tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh với số tiền 82,7 tỷ đồng.

Theo đó, tính từ tháng 4, mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 tỉnh thành triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trên cả nước. Mặt khác, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, và BIDV cùng cam kết mỗi ngân hàng sẽ cho vay 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi.

Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bằng cách nào?
Tình trạng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm

Theo Ngân hàng Agribank, ngân hàng này mới phê duyệt một dự án khu NƠXH ở Quảng Ninh với hạn mức 950 tỷ đồng, trong đó 750 tỷ đồng là hạn mức cho vay. Thế nhưng, tỉnh Quảng Ninh hiện chưa công bố danh mục nhà ở xã hội, bởi vậy khách hàng đang chờ quyết định của tỉnh để có đủ điều kiện tham gia vào chương trình 120.000 tỷ đồng.

Agribank cho biết đang tiếp cận một vài dự án nhà ở xã hội ở Long Trường, TP Thủ Đức (do Cty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư);Dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); khu CC-09 thuộc Khu Đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn (Cty IEC làm chủ đầu tư); Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (Cty CP Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư)...

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, việc chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội là do phê duyệt dự án chậm và tình trạng thiếu nguồn cung.

Theo chia sẻ từ một lãnh đạo ngân hàng trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, ngân hàng đang tiếp cận nhiều dự án, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều vướng mắc. Trong đó, xử lý các thủ tục pháp lý khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc tham gia các dự án thuộc gói này vì mức lợi nhuận bị khống chế không quá 10%. Chủ đầu tư sẽ không có lãi khi dự án chậm tiến độ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH theo hướng dành đủ quỹ đất để phát triển NƠXH; giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà hay ưu đãi hấp dẫn hơn cho chủ đầu tư để thúc đẩy nguồn cung.

Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bằng cách nào?
Doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc tham gia các dự án thuộc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vì mức lợi nhuận bị khống chế không quá 10%

Bộ xây dựng đã ề nghị các địa phương nhanh chóng hoàn thành thiết lập và sửa đổi, bổ sung chương trình kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương, trong đó làm rõ ràng các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư dự án cũng như thúc đẩy đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai, dự án đã có chủ trương. Bên cạnh đó, địa phương phải giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để đề xuất, nghiên cứu đầu tư và cân đối bố trí ngân sách nhằm khuyến khích và ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển loại nhà ở này.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, có khoảng 108 dự án NƠXH ược cấp phép xây dựng và đang thực hiện đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vào đầu tháng 8. Có 15 Sở xây dựng trên cả nước đã kiểm tra hồ sơ và lập danh mục các dự án đủ điều kiện để trình lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét danh mục, bao gồm 40 dự án với tổng 43.000 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn hơn 18.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có 11 Ủy ban nhân dân tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 12.000 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư là hơn 31.000 tỷ đồng.

Cần mở rộng sang nhà ở thương mại trung cấp và bình dân

Theo chuyên gia tài chính - ông Đinh Thế Hiển, các chương trình và ưu đãi từ trước đến nay đều trong trạng thái giải ngân chậm. Gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội trước đây cũng giải ngân èo uột, sau đó được thực hiện nhanh hơn nhờ mở rộng áp dụng cho cả nhà ở thương mại giá rẻ.

Theo ông Hiển, Việc Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không có dự án nào vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là vấn đề cần phải xem xét lại bởi hai địa phương này cần giải ngân nhất với nhu cầu nhà ở lớn.

Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bằng cách nào?
Gói tín dụng nên hướng đến nhóm người dân mua nhà ở bình dân và trung cấp

Ông Hiển nói: “Tại TP.HCM, Hà Nội cần làm rõ đến thời điểm hiện tại đang có bao nhiêu dự án NƠXH đã đi vào hoàn thiện về pháp lý và triển khai? Nếu không có dự án triển khai trong năm 2023, người mua nhà cũng chưa cần tiếp cận với gói hỗ trợ tín dụng”.

Ông cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khi có đối tượng áp dụng cho người mua nhà vay rộng hơn thì sẽ được triển khai có tính uyển chuyển và linh hoạt hơn.

“Việc hỗ trợ nhà cho người có thu nhập thấp là cấp thiết, song cần phải có định hướng rõ, phù hợp với từng giai đoạn của thị trường. Theo tôi, ngoài vấn đề nguồn cung hiện nay nhà ở xã hội đang gặp khó, Ngân hàng Nhà nước nên mở rộng nhóm đối tượng cho vay cả chủ đầu tư, người mua nhà ở phân khúc nhà ở trung bình. Trước hết thử nghiệm với số tiền 30.000 tỷ đồng. Sau đó nếu khó khăn vướng mắc, chỉnh sửa tiếp để giải ngân”, ông Hiển cho biết thêm.

Chuyên gia này nhận định rằng gói tín dụng nên hướng đến nhóm người dân mua nhà ở bình dân và trung cấp thì sẽ mang ý nghĩa cụ thể và thiết thực hơn.