Tăng trưởng tín dụng đáng kể tạo tín hiệu tích cực

Tại một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy, dư nợ kinh doanh BĐS trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 18,95%, vượt qua tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 chỉ 10,73%. Mức tăng trưởng này là rất cao, gấp hơn 4 lần mức tăng tín dụng chung (4,54%).

Đặc biệt là trong khi dư nợ kinh doanh tăng mạnh thì dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản, vốn chiếm tới 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,36%. Đây là năm đầu tiên trong 3 năm nay xuất hiện xu hướng giảm, nhìn lại cuối năm 2022 đã tăng hơn 31%.

Doanh nghiệp có dòng tiền mới, nguồn cung bất động sản sắp tới diễn biến ra sao?
Nguồn vốn tín dụng hiện nay tập trung vào phía cung của thị trường

Về xu hướng dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - Bà Hà Thu Giang cho biết, nguồn vốn tín dụng hiện nay tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi cầu tín dụng để mua BĐS nhằm tiêu dùng lại khá hạn chế.

Từ diễn biến trên, có thể thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc thời gian qua đã bắt đầu có tác dụng. Những khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đang dần được tháo gỡ, góp phần làm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay thì nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên vào thời điểm hiện tại, vì cơ cấu sản phẩm không phù hợp, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu hụt nhà giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của đa số người dân” - Bà Giang cho hay.

Việc nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng đang chảy mạnh vào chủ đầu tư với những dự án được “cởi trói” về pháp lý đã làm tăng thêm kỳ vọng vào nguồn cung có thể được đẩy lên, từ đó giải quyết cơn khát nhà ở đang lên đỉnh điểm cho người dân, vào khoảng cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Cuối năm sẽ có nguồn cung mới liệu có dồi dào?

Dựa trên những diễn biến thực tế, kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở, bởi các chính sách tháo gỡ từ Chính phủ đang bắt đầu ngấm dần và trở thành “liều doping” cho thị trường BĐS hồi phục từ từ. Đơn cử như các “ông lớn” Vingroup, Nam Long, Masterise Homes, Khang Điền… đã tham gia cuộc đua cuối năm.

Doanh nghiệp có dòng tiền mới, nguồn cung bất động sản sắp tới diễn biến ra sao?
Nhiều "ông lớn" đẩy mạnh sản phẩm mới ra thị trường dịp cuối năm

Tại Hà Nội, các chủ đầu tư như Vinhomes, Khai Sơn, Hưng Thịnh… bắt đầu đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường, ở cả dự án mới và dự án hiện hữu. Taseco Land mở bán dự án ở Bắc Từ Liêm với giá trong khoảng 3.000 - 4.000 USD/m2. KITA Group lên kế hoạch mở bán dự án mới tại Ciputra...

Tại TP. HCM và các khu vực lân cận, nhiều “đại gia” bất động sản như Vingroup, Nam Long, Hưng Thịnh, Masterise Home, Novaland, Phú Long, Ecopark… rất tích cực đẩy rỏ hàng mới ra thị trường.

Bên cạnh đó, tại Bình Dương, sự khởi động của các chủ đầu tư như Pi Group, Phú Đông, C- Holdings, Lê Phong, Bcons, Phát Đạt… được xem như cú hích cho khu vực vệ tinh TP. HCM trong quý III. Cụ thể, dự án chung cư PiCity Sky Park Dĩ An có quy mô 1.600 sản phẩm; Phú Đông SkyOne gần 800 căn hộ; The Emerald 68 Thuận An với 800 căn hộ; Bình Dương Tower dự kiến mở bán 1.500 căn vào cuối năm nay…

Tại miền Trung, chủ đầu tư Hưng Thịnh công bố phân khu mới của dự án Merry Land Quy Nhơn với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn; Sun Cosmo Residences Đà Nẵng cũng ra mắt căn hộ với giá bán từ 60 - 85 triệu đồng/m2…

Có thể thấy, sau khi tín dụng nhà băng dần được khơi thông và chảy mạnh vào các dự án, cùng với việc các doanh nghiệp địa ốc lớn bắt đầu cuộc đua nước rút, dự báo nguồn cung sẽ cải thiện đáng kể vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Doanh nghiệp có dòng tiền mới, nguồn cung bất động sản sắp tới diễn biến ra sao?
Dự báo nguồn cung sẽ cải thiện đáng kể vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau

Có cơ sở để giúp nguồn cung cải thiện, tuy nhiên, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - Ông Nguyễn Hồng Chung cho hay, việc thị trường BĐS phục hồi nhanh hay chậm không được quyết định bởi số lượng dự án, mà ở phân khúc nào và với giá bao nhiêu. Nếu cải thiện nguồn cung nhưng chỉ toàn nhà giá cao thì thanh khoản thị trường cũng khó khởi sắc trong ngắn hạn.

“Chúng ta có thể quan sát được, trong thời gian dài, thanh khoản thị trường ảm đạm, gần như không có giao dịch. Những vụ án kéo dài làm ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh dự án nhà ở bình dân, phục vụ nhu cầu thực và đáp ứng đa số người dân. Chỉ như vậy, thanh khoản mới sớm khởi sắc, niềm tin khách hàng, nhà đầu tư trở lại” - Vị này nhìn nhận.

Cùng chung quan điểm, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, thời gian tới nếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhất là các dự án nhà ở xã hội được bán ra mạnh, thì tốc độ phục hồi của thị trường nhà đất nhanh hơn. Ngược lại, nếu vắng đi các sản phẩm vừa túi tiền, thì khả năng phục hồi của thị trường sẽ mất thêm thời gian hơn dự báo, có thể kéo dài đến cuối 2024.

Nhìn chung, với các diễn biến của thị trường và góc nhìn từ chuyên gia, có thể thấy thị trường BĐS đang có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần khoảng hơn 6 tháng nữa để thị trường hồi phục. Hai vấn đề cốt lõi là pháp lý và niềm tin thực sự chưa được khơi thông.

Do đó, để lấy lại “ánh hào quang”, điều kiện cần là chính các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động đưa ra các chiến lược bán hàng, kích cầu mới, thích ứng với diễn biến thực tế, đáp ứng nhu cầu của người mua và nhà đầu tư. Đối với điều kiện đủ, các chính sách gỡ khó sẽ thẩm thấu nhanh và sâu hơn sẽ giúp giải quyết các bài toán về pháp lý.