Nhiều doanh nghiệp Việt “gặt hái” trái ngọt khi xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử

Ghi nhận tại Việt Nam, tiềm năng cũng như dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Năm 2023, các chuyên gia đã dự báo giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam lập kỷ lục với mức tăng 2 con số. Và dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để tiến hành đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

Ghi nhận, nắm bắt xu hướng chung của thương mại toàn cầu, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã và đang nỗ lực trong việc đầu tư vào chuyển đổi số, thúc đẩy kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng số, qua các kênh thương mại điện tử từ đó gặt hái được những trái ngọt.

Là một trong những doanh nghiệp đã thành công khi đưa hàng lên kênh Alibaba.com, ông Hoàng Thất Tiêu - Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu về lĩnh vực thời trang nói rằng, từ khi chưa bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh đã nhận thấy tương lai của phương thức bán hàng truyền thống sẽ không mấy sáng sủa. Vì thế mà ông nghĩ đến thương mại điện tử và quyết định thành lập công ty.

Doanh nghiệp Việt gặt hái
Có thể thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra hành trình xuất khẩu cho nhiều sản phẩm hàng hóa vốn dĩ là thế mạnh của Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet

Ông Tiêu cho biết: “Phương châm của người đứng đầu doanh nghiệp là luôn đề cao sức mạnh của sự đoàn kết, hợp tác tập thể, kết hợp ăn ý và vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm của các đồng nghiệp để tạo nên được sự tự tin cần có. Vào năm 20 tuổi, bản thân thành lập doanh nghiệp chỉ có vỏn vẹn 3 người, 10 năm sau doanh nghiệp đã có 20 nhân viên hoạt động hiệu quả”.

Cũng gặt hái được những thành công khi mạnh dạn tiến hành chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên kênh thương mại điện tử, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW - bà Trần Thị Yến Phi vui mừng cho biết: “Từ doanh thu 3000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn thương mại điện tử Alibaba, đến hiện tại con số này của công ty đã tăng lên 260.000 USD. Cũng tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu trong thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt mức 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU”.

Trong khi đó thì Tập đoàn Sunhouse cho hay, dù mới chỉ hợp tác với Amazon Global Selling từ đầu năm 2022, tuy nhiên công ty đã thu được những kết quả kinh doanh bước đầu vượt trên cả mong đợi. Theo đó, chỉ số tăng trưởng trung bình mỗi tháng đạt mức 160 - 200%, đặc biệt là ở thị trường Bắc Mỹ.

Như thế, có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa xuất khẩu trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global,... đã góp phần đưa hàng hóa Việt Nam đến gần hơn với nhiều thị trường trên thế giới.

Cũng theo đó, qua các kênh trực tuyến này thì người tiêu dùng trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hay là mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Và điều này cũng đã và đang tạo ra sức bật cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà. Có nhiều doanh nghiệp khẳng định, việc xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Nếu như doanh nghiệp muốn tăng doanh thu, phát triển mạnh mẽ thì việc đưa hàng hóa qua kênh thương mại điện tử sẽ chiếm vai trò chính trong thời gian sắp tới.

Doanh nghiệp Việt gặt hái
Ghi nhận tại Việt Nam, tiềm năng cũng như dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Nguồn ảnh: Internet

Doanh nghiệp Việt cần tiếp tục nắm bắt “cơ hội”

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam (Bộ Công Thương) - bà Lại Việt Anh nhận định, ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm. Đây chính là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng, phù hợp với chủ trương phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ.

Dù những cơ hội và tính ưu việt của các kênh thương mại điện tử đối với xuất khẩu hàng hóa là rất rõ rệt, tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử vẫn còn khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số 200.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu của cả nước.

Chỉ ra những khó khăn, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Uyên có nêu rõ, khó khăn lớn nhất của Việt Nam khi tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế là rào cản ngôn ngữ, thiếu đi kỹ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị có sẵn ở trên sàn,... từ đó dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng tốt những công cụ kỹ thuật số mà các nền tảng cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Không chỉ thế, nhiều sản phẩm không đảm bảo về thời gian giao hàng cũng như tiến độ dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng.

Trong khi đó thì Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - ông Gijae Seong nhìn nhận, mặc dù tăng trưởng nhanh, tuy nhiên tại Việt Nam, xuất khẩu online còn khá mới mẻ và sơ khai. Ông Gijae Seong khuyến cáo: “Dư địa phát triển của ngành còn rất lớn, bởi kinh tế số đang là chủ đạo, cùng với đó là quy mô và năng lực của ngành sản xuất trong nước đang ngày càng lớn”.

Đưa lên những giải pháp đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế cùng thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Lại Việt Anh cho biết, trong thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử có những chương trình đào tạo, kết nối góp phần giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng cần thiết một cách bài bản, có hệ thống với những thông tin đã được đảm bảo và liên tục để đưa sản phẩm Việt Nam với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo nhận định của giới chuyên gia, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới và nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu; trong việc tìm hiểu thông tin của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu cơ hội, đặc biệt là ở những thị trường có các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã hợp tác và ký kết.

Doanh nghiệp Việt gặt hái
Nguồn ảnh: Internet

Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, từ thực phẩm khô, thuốc men, đồ uống, vệ sinh cá nhân và gia đình cho đến hàng dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ. Xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2022. Và dựa trên những xu hướng xuất khẩu gần đây cũng như tốc độ hiện tại của các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, dự báo, doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 9%.

Dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết, trong thập kỷ tới, 70% giá trị kinh tế mới sẽ được thúc đẩy bởi công nghệ kỹ thuật số. Nền kinh tế số, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, tạo ra sự bình đẳng và các giá trị mới ở trong mọi lĩnh vực.

Theo đó, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục mở ra hành trình xuất khẩu cho nhiều sản phẩm khác vốn dĩ là thế mạnh của Việt Nam. Đây chính là cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn mà còn cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã và các cá nhân. Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hướng đến việc mở rộng thị trường sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, nhiều nước châu Âu trong thời gian 5 năm tới.

Để có thể tăng mạnh doanh số xuất khẩu trên thị trường điện tử, các chuyên gia lưu ý nhà xuất khẩu cần có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn như là giảm giá, giao hàng miễn phí cho những đơn hàng có giá trị cao, đổi mới sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng,...