Trong báo cáo của Dragon Capital công bố mới đây cho biết, chỉ số VN-Index đã có sự phục hồi tích cực khi tăng 8% trong tháng 11, sau khi đã giảm 16% trong tháng 9 và tháng 10. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân cũng đã được cải thiện sau sự suy yếu của DXY và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy dấu hiệu của việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Điều này giúp xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư về lãi suất và biến động của đồng VND.

Sau khi những lo ngại về tỷ giá giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu kể từ ngày 9/11 và bơm ròng thêm khoảng 7,5 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng. Như vậy, việc lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng quốc doanh đã về mức 4,8% tương đương trước dịch Covid-19 cùng lượng tiền gửi dồi dào trong hệ thống đã giải thích cho việc thanh khoản tăng 16,8% so với tháng trước.

Có thể thấy, các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền từ tiền gửi sang các kênh khác có lợi nhuận cao hơn trên thị trường vốn. Trong tháng vừa qua, đã có một sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, với các cổ phiếu nhóm Mid-cap có hệ số Meta cao đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này diễn ra suốt phần lớn thời gian biến động của thị trường trong năm nay cùng với việc cổ phiếu của các tập đoàn như VIC và MSN có hiệu suất thấp hơn 25% so với VN-Index, trong khi đó các cổ phiếu mid-cap lại có hiệu suất cao hơn đến 25%.

Dragon Capital: Lãi suất có thể giảm thêm 50 điểm, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán năm 2024
Nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển từ tiền gửi sang các kênh khác có lợi nhuận cao hơn trên thị trường vốn

Chính vì thế, việc giá của các cổ phiếu chứng khoán và nguyên vật liệu tăng lên đến 30% không phải là hiếm khi thị trường phục hồi. Trong khi đó, ngành ngân hàng, nhóm vốn hóa lớn lại trải qua một giai đoạn hiệu suất thấp. Mặc dù tất cả các cổ phiếu nhóm này đều tăng giá nhưng mức tăng thấp hơn so với chỉ số chung. Nguyên nhân có thể do các ngân hàng vẫn gặp khó khăn bởi tốc độ mở rộng biên lãi ròng (NIM) chậm hơn so với dự kiến và tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,3%.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở được thông qua đã mang lại lợi ích tích cực cho các doanh nghiệp bất động sản với việc loại bỏ yêu cầu bắt buộc phải có 20% nhà ở xã hội đối với các dự án. Dù vậy, việc trì hoãn thông qua Luật Đất đai sửa đổi có nghĩa là các doanh nghiệp có thể phải chờ đợi thêm thời gian để có hướng dẫn chi tiết hơn về quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Mặc dù quy định đã chặt chẽ hơn, nhưng Dragon Capital cho rằng Luật đất đai sửa đổi sẽ tạo ra sự minh bạch cũng như giúp các doanh nghiệp bất động sản có sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh hơn và có lợi nhuận tốt hơn về dài hạn.

Lãi suất có thể giảm thêm, tác động tích cực đến chứng khoán năm 2024

Trong giai đoạn cuối năm đã diễn ra những cuộc gặp và trao đổi với các doanh nghiệp, điều này cho thấy sự đồng thuận cao rằng nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi từ vùng đáy của nửa đầu năm 2024. Các ngân hàng mà Dragon Capital đã trao đổi đều cho thấy sự lạc quan về việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 12 nhằm đạt mục tiêu 12%. Ngoài ra, họ cũng dự đoán nhu cầu tín dụng trong năm 2024 sẽ tăng mạnh từ ngành sản xuất, phản ánh sự phục hồi kinh tế một cách tổng thể.

Dragon Capital: Lãi suất có thể giảm thêm 50 điểm, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán năm 2024

Các chương trình ưu đãi lãi suất cạnh tranh từ các ngân hàng có thể khiến lãi suất giảm thêm khoảng 50 điểm cơ bản, qua đó góp phần vào việc ổn định thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Ngành vật liệu và bất động sản cũng ghi nhận kết quả lạc quan khi HPG đã có sự tăng vọt về doanh số bán hàng trong tháng 11 với hơn 50%, còn các doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh cũng đạt sự tăng trưởng về đơn cọc nhà.

Dragon Capital: Lãi suất có thể giảm thêm 50 điểm, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán năm 2024

Bên cạnh đó, các công ty liên quan đến FDI cũng ghi nhận sự quan tâm tăng vọt của các nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực bán dẫn sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, Dragon Capital hy vọng sẽ có những kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán giữa các tập đoàn lớn của Mỹ với các đối tác trong nước.

Nhìn chung, những phản hồi cho thấy mặc dù kỳ vọng về lợi nhuận và biên lợi nhuận tuy còn chưa rõ ràng, nhưng năm 2024 dường như sẽ chứng kiến sự phục hồi trong doanh số bán hàng của các công ty thuộc phạm vi nghiên cứu, giúp tác động tích cực đến dòng tiền của họ.

Đánh giá chung về thị trường chứng khoán năm 2024, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research cho rằng, nhìn chung thị trường vẫn sẽ tăng điểm, nhưng mức độ biến động vẫn sẽ tiếp tục khá cao. Sẽ có những giai đoạn thị trường cần dừng lại để các yếu tố vĩ mô, cơ bản có thể đuổi kịp để có những chuyển biến mới. Ngoài ra, cũng có sự phân hóa lớn giữa các ngành cũng như các doanh nghiệp trong từng ngành.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, xu hướng của VN-Index từ giai đoạn Covid-19 thường đồng pha với xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất. Công ty chứng khoán này dự báo chỉ số VN-index có thể lên mức cao nhất quanh vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ những nhịp tăng điểm trong bối cảnh chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn những tác động tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu. Về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt 16.000 - 17.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn cho cả năm 2024, tương ứng với mức giảm khoảng 5% so với năm 2023.