Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh, tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào sáng ngày 27/9, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam - Ông Chakraborty đánh giá năm 2023 là năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam. Cầu bên ngoài yếu, cùng sự phục hồi chậm của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Song, nền kinh tế vẫn trụ vững nhờ tiêu dùng nội địa mạnh được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải.

Từ mức 6,5% trước đó, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống mức 5,8%. Điều này phản ánh lực cầu yếu hơn trên toàn cầu so với trước đó.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 được điều chỉnh xuống 5,8%
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam của ABD bank

Tăng trưởng năm 2024 dự báo đạt 6% vì nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, siết chặt tiền tệ tại những nền kinh tế lớn và bất ổn địa chính tiếp diễn. Lạm phát được dự báo giảm xuống, ở mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 được điều chỉnh xuống 5,8%
Chỉ số DXY tăng lên 106 điểm (Nguồn: TradingView)

Về rủi ro trong nền kinh tế vào thời gian tới, theo đại diện ADB, sự suy giảm đáng kể của kinh tế toàn cầu và lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu - các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, đà tăng của USD tạo nhiều thách thức lớn hơn với kinh tế Việt Nam.

Về xuất nhập khẩu, theo ADB, nhu cầu thế giới suy yếu ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng thương mại trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, trong tháng 8/2023, xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước.

Dự kiến, tăng trưởng xuất - nhập khẩu sẽ trở lại mức khiêm tốn 5,0% trong năm 2023 và 2024. Thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay ước tính đạt 3% GDP. Khi hoạt động sản xuất phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng, cán cân tài khoản vãng lai có thể giảm còn 2% GDP vào năm sau.

Những lĩnh vực khác nhận về dự báo phục hồi tốt. Cụ thể, dịch vụ dự kiến vẫn tăng trưởng nhờ ngành du lịch và dịch vụ liên quan hồi sinh. Tháng 8 vừa qua, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2024, giúp doanh số trong 8 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ. Nông nghiệp hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự báo lĩnh vực này tăng trưởng 3,2% trong năm nay.

Ông Nguyễn Bá Hùng, kinh tế trưởng của ADB đã có những chia sẻ về vấn đề tỷ giá tăng gần đây. Theo đó, ông đánh giá Ngân hàng Nhà nước đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ và các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Do vậy, NHNN chưa gặp khó về chính sách với tỷ giá.

Vị chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, việc lãi suất giảm chỉ là một yếu tố tác động tới cung cầu ngoại tệ. Người dân muốn giữ đồng USD thay vì VND vì lãi suất thấp đã làm tăng cầu ngoại tệ. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa được cải thiện nên chưa gây ra biến động cầu quá lớn. Tỷ giá biến động trong thời gian qua liên quan tới thông tin NHNN phát hành tín phiếu trở lại nhằm giảm thanh khoản và cần thời gian ngắn nữa để ổn định.

Trước đó, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng cần tập trung vào dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đang có rất nhiều khó khăn và rủi ro cũng như hạn chế. Trong đó, rủi ro và thách thức đến từ quốc tế vẫn còn đó và có thể kéo dài. Hoạt động thương mại quốc tế khó khăn, sụt giảm dù mức giảm đã chậm dần…

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 được điều chỉnh xuống 5,8%
TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam hạ xuống dưới 6%

Trong 8 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trở thành bệ đỡ chính của nền kinh tế, đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Khu vực duy trì đà tăng (tuy còn chậm) và là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn rất khó khăn. Khu vực công nghiệp và xây dựng kể từ quý III/2022 đã đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tới quý II/2023 đã có những tín hiệu phục hồi.

TS Cấn Văn Lực còn đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chưa kể cả 3 kịch bản đều dự báo tăng trưởng GDP 2023 đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong năm 2023 có thể đi theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%. Nếu trong kịch bản tiêu cực, khi kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề, tận dụng được ít cơ hội hơn từ những động lực tăng trưởng mới, thì tăng trưởng dự báo chỉ từ 4,4 - 4,5%.

"Với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng có thể đạt 5,5 - 6%" - Vị chuyên gia đánh giá.

Vào năm 2024 và 2025, kịch bản cơ sở dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ phục hồi từng bức, lạm phát được kiềm chế và về dần dưới mức 3% vào năm 2025. Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng dự báo đạt khoảng 6% vào năm 2024 và 6,5% vào năm tiếp theo.

Ông Lực đề xuất: "Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững thì đòi hỏi phải thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài".