Theo thống kê, hiện đang có 6 cổ phiếu dự kiến chào sàn dịp đầu năm 2024, trong đó một mã niêm yết trên sàn HoSE, còn lại là đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Loạt “tân binh” chào sàn đầu năm 2024

Mã cổ phiếu chào sàn sớm nhất năm nay là NEM của Công ty Thiết bị điện Miền Bắc. Phiên ngày 5/1, gần 9 triệu cổ phiếu NEM sẽ niêm yết trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.200 đồng/cp, tương đương mức vốn hóa đạt hơn 88 tỷ đồng.

Tiền thân của NEM là Công ty TNHH Liên doanh Sản xuất thiết bị điện Miền Bắc thành lập năm 2004. Năm 2016 chuyển thành công ty cổ phần. Hiện nay, 88% vốn NEM thuộc về 3 cổ đông lớn là Tổng giám đốc Trần Thị Thu Thủy nắm giữa hơn 3 triệu cổ phiếu (35,98% vốn), bà Vũ Thị Thư nắm 2,3 triệu cổ phiếu (26,04% vốn) và bà Nguyễn Thị Phương nắm 2,3 triệu cổ phiếu (26,26% vốn).

“Đu sóng” cổ phiếu chuyển sàn thế nào cho đúng?
Ngay trong tháng đầu năm 2024 thị trường chứng khoán chào đón thêm 6 "tân binh" mới

Vào phiên ngày 8/1 tới đây, toàn bộ 8,33 triệu cổ phiếu KTW của Cấp nước Kon Tum sẽ niêm yết trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.900 đồng/cp. Ngành kinh doanh chính của công ty là khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Cùng ngày, công ty Đồng Tân sẽ đưa lên sàn UPCoM hơn 5 triệu cổ phiếu D17 với giá tham chiếu 22.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt 116 tỷ đồng. Đồng Tân đang hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình giao thông cầu đường, san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà.

Mã chứng khoán TAL của công ty Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) cũng được chú ý khi sắp lên sàn UPCoM vào ngày 9/1 với 297 triệu cổ phiếu với giá tham chiếu là 21.000 đồng/cp.

Taseco Land đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, cao gấp khoảng 500 lần so với thời điểm thành lập năm 2009. Tập đoàn Taseco đang nắm giữ 215 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 72,49% vốn.

Đáng chú ý, vào phiên ngày 12/1, hơn 235 triệu cổ phiếu HNA của CTCP Thủy điện Hủa Na chính thức lên sàn HoSE với giá tham chiếu 18.350 đồng/cp, tương ứng mức định giá 4.300 tỷ đồng. Cổ phiếu HNA giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2017.

Thủy điện Hủa Na chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng, quản lý và vận hành Nhà máy thủy điện Hủa Na tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

“Đu sóng” cổ phiếu chuyển sàn thế nào cho đúng?
Một số mã cổ phiếu đã được HoSE chấp thuận chuyển từ sàn UPCoM sang

Ngoài những công ty trên, một số doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ và được HoSE chấp thuận giao dịch. Cụ thể, mã NAB của Ngân hàng Nam Á được HoSE chấp thuận niêm yết gần 1,1 tỷ cổ phiếu chuyển từ sàn UPCoM sang, với giá trị cổ phiếu niêm yết hơn 10.580 tỷ đồng.

Hơn 100,9 cổ phiếu TCI của Chứng khoán Thành Công (TCSC) cũng được chấp thuận chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE.

Mới đây, HoSE đã ban hành quyết định chấp thuận niêm yết gần 122 triệu cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post). Thời gian chính thức giao dịch dự kiến của VTP trên HoSE là trong tháng 2 - 3/2024.

“Bắt sóng” sao cho đúng?

Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch chào sàn và niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp. Nguyên nhân từ việc dòng tiền mất đi sự dồi dào, chứng khoán không còn thu hút vốn dễ như trước.

Đặc biệt, tình trạng khan hàng diễn ra khắp nơi. Một số cái tên là "điểm sáng" còn lại rất ít, như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Với nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp nổi bật, ngoài những cái tên đã quen thuộc như Thaco, TH True Milk, DOJI,…

Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn triển vọng dài hạn lạc quan của thị trường chứng khoán nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Chứng khoán vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất khi dòng tiền rẻ quay lại thị trường.

Đồng thời, hoạt động niêm yết và giao dịch mới dần trở lại. Một số cái tên mới như BCG Land (BCR), Bia Sài Gòn Bình Tây (SBB), Nova Consumer (NCG), Xây dựng Bình Phước (BCO) đã lên sàn chứng khoán vào cuối năm ngoái và đầu năm 2024, nay tiếp tục xuất hiện nhiều đơn vị mới.

Thực tế, việc chuyển sàn hay niêm yết cổ phiếu mang đến nhiều “tư vị” cho thị trường, nhất là trong bối cảnh ảm đạm hiện nay. Việc “đón” sóng” từ các “tân binh” cũng giúp nhiều nhà đầu tư thu được lợi nhuận đáng kể.

“Đu sóng” cổ phiếu chuyển sàn thế nào cho đúng?
Nhiều cổ phiếu sau khi có màn tăng trưởng ấn tượng đã quay đầu giảm sốc

Vì vậy, các mã cổ phiếu có xu hướng chuyển sàn luôn được săn đón nhiệt tình, dù không phải mã nào cũng cho kết quả tốt. Hiện tượng cổ phiếu tăng giá sau khi chuyển sàn đã trở thành quy luật nên các nhà đầu tư sẽ mua ngay trên sàn cũ khi có thông tin rò rỉ đầu tiên.

Song, khi nhìn vào mức tăng trưởng của hầu hết những cổ phiếu “chào sàn” này sẽ thấy đà tăng giá của chúng chủ yếu đi theo những câu chuyện ngắn hạn. Nhiều mã sau khi có màn tăng ấn tượng đã quay đầu giảm sốc, thậm chí đột ngột mất thanh khoản và liên tục nằm sàn.

Giới phân tích cho rằng, để có thể thu được lợi nhuận khi “đu sóng” chuyển sàn, nhà đầu tư cần trang bị thêm kiến thức chuyên môn để thẩm định doanh nghiệp và ngành nghề mà mình “mua đuổi”. Điều này giúp họ tránh được rủi ro khi mua ở vùng giá quá cao và lỗ nặng sau đó. Nên chú ý, một cổ phiếu tốt là khi doanh nghiệp đó hội tụ đầy đủ những yếu tố cơ bản và tiềm năng dài hạn.