Mua FPT với giá mục tiêu 120,740 đồng/cp

Theo CTCK Yuanta Việt Nam, CTCP FPT (HOSE: FPT) đang thể hiện năng lực nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về dịch vụ công nghệ thông tin thuê ngoài.

Cụ thể, FPT đã chinh phục được các thị trường mới bằng việc khai thác các khách hàng lớn, giúp công ty tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong tương lai. Nhật Bản cho tới nay vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của FPT.

FPT, DGC và HPG là 3 cổ phiếu nổi bật ở thời điểm hiện tại
Mảng giáo dục giúp FPT đạt doanh thu cao

Bên cạnh đó, nhờ lợi thế chi phí thấp giúp FPT giành lấy các hợp đồng quốc tế. Yuanta cho rằng, sự dẫn đầu về chi phí này sẽ là lợi thế cạnh tranh quan trọng.

CTCK đánh giá, FPT được nhiều nhà đầu tư xem là cổ phiếu công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, tuy nhiên giao dục mới là mảng kinh doanh đang tăng nhanh nhất, thay vì dịch vụ công nghệ thông tin.

Năm nay, FPT phân bổ 29% tổng vốn đầu tư năm 2023 vào giáo dục, tương đương 1.700 tỷ đồng và tăng 113% so với cùng kỳ. Yuanta kỳ vọng phân khúc này đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm cho mức doanh thu 43% trong giai đoạn 2022 - 2027; Chiếm 25% doanh thu hợp nhất năm 2027.

Theo dự báo của CTCK, nhờ vào mảng công nghệ và giáo dục, doanh thu hợp nhất của FPT sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 25% giai đoạn 2022 - 2027.

Cũng theo nhóm phân tích, dòng tiền tự do của công ty này sẽ duy trì ở mức cao trong suốt giai đoạn trên. Vốn đầu tư của FPT năm 2023 tăng 80% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ mảng giáo dục ghi nhận biên lợi nhuận cao, điều này thúc đẩy biên lợi nhuận ròng trong những năm tới.

Yuanta khuyến nghị nên mua cổ phiếu FPT ở giá mục tiêu 120,740 đồng/cp, tức khoản lời trong tháng 12 là 30,5%. Đây là một mức hợp lý dựa trên vị thế của FPT, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam cùng câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn cực hấp dẫn.

Trung lập DGC với giá mục tiêu 100,986 đồng/cp

Theo CTCK ACB (ACBS), CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) được đánh giá là doanh nghiệp đầu ngành trong việc sản xuất sản phẩm phốt pho. Hiện Hóa chất Đức Giang có công suất thiết kế 69,800 tấn/năm, cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đứng thứ 2.

Công ty có bảng cân đối khỏe mạnh cùng tiềm lực đủ để mở rộng. Sở hữu lượng tiền mặt nhiều, DGC liên tục mua các mỏ khai thác apatit mới vào năm 2021, 2022 và mua nhà máy sản xuất phốt pho vàng trong năm nay.

FPT, DGC và HPG là 3 cổ phiếu nổi bật ở thời điểm hiện tại
DGC đang mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực

Bên cạnh việc mở rộng trong ngành phốt pho, DGC còn thực hiện các dự án lớn để mở rộng ra các ngành khác như dự án Bauxit Tây Nguyên - tổng mức đầu tư dự kiến 57,000 tỷ đồng; dự án Xút (NaOH) Nghi Sơn - tổng vốn đầu tư 12,000 tỷ đồng. Ngoài ra còn hướng tới lĩnh vực sản xuất pin lithium cho xe điện, khi doanh nghiệp này đã mua 100% cổ phần tại CTCP Ắc quy Tia sáng (Tibaco, HNX: TSB).

Vì vậy, ACBS tin rằng những dự án trên nếu hoàn thành sẽ trở thành nguyên tố chính thúc đẩy DGC tăng trưởng. Dự phóng năm 2023, doanh thu công ty đạt 10,216 tỷ đồng và lãi ròng 3,236 tỷ đồng, giảm lần lượt 29% và 46% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, năm 2024 sẽ ghi nhận tình hình khả quan hơn khi giá cả hàng hóa tiếp tục hồi phục nhẹ. ACBS kỳ vọng, năm 2024, Hóa Chất Đức Giang đạt doanh thu 11,556 tỷ đồng và lãi ròng 3,681 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Theo đó, CTCK khuyến nghị trung lập cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 100,986 đồng/cp tương ứng với suất sinh lợi 7% (bao gồm cổ tức).

Trung lập HPG với giá mục tiêu 31,000 đồng/cp

CTCP VNDIRECT (VND) ước tính, trong 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã giải ngân 3,300 tỷ đồng đầu tư TSCĐ cho Khu liên hợp (KLH) Dung Quất 2. Tổng vốn đầu tư TSCĐ lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 3/2023 là 12,700 tỷ đồng.

CTCK đánh giá việc giải ngân chậm là hợp lý, do HPG muốn đảm bảo thanh khoản cũng như tránh môi trường lãi suất tương đối cao trong nửa đầu năm nay.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, VND kỳ vọng HPG sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đảm bảo việc tăng công suất sản xuất HRC từ 3 triệu tấn lên 6 triệu tấn trong nửa cuối năm 2025 (50% công suất thiết kế được đưa vào vận hành từ giai đoạn 1 của KLH Dung Quất 2).

FPT, DGC và HPG là 3 cổ phiếu nổi bật ở thời điểm hiện tại
Nhu cầu thép tăng giúp Hòa Phát hưởng lợi

Sau khi vận hành tối đa, dự án có thể nâng cao triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp giai đoạn 2025 - 2027 với tốc độ tăng trưởng kép ước tính 30%, sau khi bổ sung 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại. VND tin tưởng, KLH Dung Quất 2 sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của Hòa Phát.

Về triển vọng ngắn hạn, thị trường bất động sản được kỳ vọng bứt tốc vào nửa cuối năm 2024, qua đó các doanh nghiệp thép như HPG sẽ hưởng lợi. Ngoài ra, nhu cầu phục hồi từ Trung Quốc cũng hỗ trợ giá thép tăng. Tháng 11/2023, Chính phủ nước này bổ sung thêm 137 tỷ USD nợ Chính phủ nhằm hỗ trợ xây dựng, cùng một loạt biện pháp được đưa ra trước đó, giúp ổn định lĩnh vực BĐS đang ở “đáy vực”.

CTCK kỳ vọng, nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ tăng từ mức thấp nhất năm 2023 vì tồn kho thép đã chạm đáy; Đi cùng nguồn cung sụt giảm do biên lãi gộp của nhà sản xuất thép Trung Quốc đã thấp kỷ lục trong 6 năm, sẽ đẩy giá bán thép trung bình tăng vào năm 2024.

Có thể nói kỳ vọng tăng trưởng lãi ròng trong năm 2024 của HPG rất ấn tượng, khi tăng 120% so với cùng kỳ từ mức thấp 6,448 tỷ đồng năm 2023, lên 14,200 tỷ đồng thông qua sản lượng bán hàng dự phóng tăng 7%, giá bán trung bình tăng 5% đối với thép xây dựng và tăng 4% với HRC. Biên lợi nhuận ròng sẽ được cải thiện khi chi phí đầu vào tăng chậm lại.

Do đó, VND khuyến nghị trung lập cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 31,000 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 12%), khuyến nghị mua khi giá giảm.