Dự kiến tổ chức cuộc họp bất thường lần 2

Sáng ngày 2/1, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đã tổ chức bất thành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024. Theo danh sách cổ đông của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, FLC tính tại ngày 1/12/2023 đang có hơn 64.179 cổ đông.

Tuy nhiên tính đến 9h sáng ngày 2/1, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 chỉ có 94 cổ đông, trong đó có 48 cổ đông tham dự trực tiếp. Đáng chú ý, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội là hơn 227,7 triệu cổ phần, tương đương với 32,07% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp này.

Hé lộ lý do khiến FLC không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024
Tính đến 9h sáng ngày 2/1, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 chỉ có 94 cổ đông, trong đó có 48 cổ đông tham dự trực tiếp

Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ, số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết mới đủ điều kiện để họp ĐHĐCĐ. Chính vì thế, cuộc họp bất thường diễn ra vào sáng 2/1 đã không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định của pháp luật cũng như điều lệ của công ty.

Ngoài ra, Báo cáo quản trị bán niên 2023 cho thấy, tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vẫn đang là cổ đông lớn nhất của công ty và sở hữu 30,34% vốn. Thời điểm hiện tại, ông Quyết vẫn đang bị tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Theo dự kiến, buổi họp ĐHĐCĐ bất thường lần này FLC sẽ thông qua việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm, cũng như miễn nhiệm Thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Nguyễn Tri Thống. Nếu như những điều này được thông qua, HĐQT của Tập đoàn FLC chỉ còn lại duy nhất ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT và hai Thành viên HĐQT là bà Vũ Đặng Hải Yến cùng với bà Trần Thị Hương.

Cũng tại buổi họp lần này, FLC còn dự kiến thông tin về kết quả tái cơ cấu cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2024.

Sau khi ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 tổ chức bất thành, đại diện của FLC cho biết công ty sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp bất thường lần 2, đồng thời gửi thông báo đến cổ đông theo quy định của công ty. Theo quy định, cuộc họp chỉ có thể tiến hành trong trường hợp số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ.

Hé lộ lý do khiến FLC không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024
Sau khi ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 tổ chức bất thành, đại diện của FLC cho biết công ty sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp bất thường lần 2

Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC cũng đề nghị những cổ đông đến dự vào sáng ngày 2/1 có thể thực hiện ủy quyền lại cho ban lãnh đạo công ty ngay sau khi cuộc họp lần 1 không thành công. Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện FLC cho biết: “Đây chỉ là phương án dự phòng trong trường hợp cổ đông không thể tham dự cuộc họp lần hai”.

4 phương án để gia hạn lô trái phiếu FLCH2123003 nhưng không được thông qua

Theo nội dung được công bố ban đầu, mục đích tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 2/1/2024 của FLC là để báo cáo về kết quả tái cơ cấu tập đoàn cùng với kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 cùng với các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Cuối tháng 12 vừa qua, phía FLC cũng đã công bố phiên bản kiểm phiếu nhằm lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu của mã FLCH2123003. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã đề ra 4 phương án với mục đích có thể gia hạn được lô trái phiếu nói trên. Tuy nhiên, cả 4 phương án này đều không được các trái chủ thông qua.

Cụ thể, với những phương án đã được đề ra, Tập đoàn FLC đã đề ra loạt phương án gia hạn trái phiếu từ 24 tháng lên 48 tháng kể từ ngày phát hành là ngày 28/12/2021, lãi suất cố định áp dụng là 13%/năm.

Đối với phương án 1, FLC sẽ tiếp tục thực hiện triển khai dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2, đồng thời sử dụng nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh dự án nhằm trả nợ trái phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác kinh doanh bất động sản của dự án trên sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa của công ty, sau đó được sử dụng ưu tiên thanh toán cho người sở hữu trái phiếu. Theo dự kiến, FLC sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý đưa dự án vào kinh doanh từ quý 2/2025.

Hé lộ lý do khiến FLC không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024
Theo nội dung được công bố ban đầu, mục đích tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 2/1/2024 của FLC là để báo cáo về kết quả tái cơ cấu tập đoàn. Ảnh minh họa

Phương án 2, Tập đoàn FLC sẽ tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án. Toàn bộ số tiền sau khi chuyển nhượng dự án thành công sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa , đồng thời ưu tiên giải ngân cho việc thanh toán trái phiếu. Thời gian thực hiện chuyển nhượng dự án cũng như thời gian thanh toán nói trên sẽ phụ thuộc vào thời gian tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án. Đáng chú ý, FLC cũng cam kết sẽ mua lại trái phiếu trước hạn trong vòng 15 ngày kể từ ngày công ty ký kết hợp đồng chuyển nhượng cũng như nhận đầy đủ tiền chuyển nhượng dự án.

Phương án 3, FLC sẽ dùng bất động sản với mục đích đối trừ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu khi bất động sản của dự án đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán. Đồng thời, FLC cũng sẽ ưu tiên chiết khấu cho người sở hữu trái phiếu so với những khách hàng thông thường.

Phương án 4, nếu như phương án 1,2 và 3 nêu trên không được trái chủ thông qua, FLC sẽ đề xuất phương án khác trong thời hạn 90 ngày tính từ ngày tổng hợp ý kiến người sở hữu trái phiếu thông qua văn bản dựa trên cơ sở đảm bảo lợi ích và khả năng thực hiện của công ty.

Được biết, lô trái phiếu FLCH2123003 có kỳ hạn là 24 tháng, được phát hành ngày 28/12/2021, ngày đáo hạn là 28/12/2023 với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng. Từ ngày 30/12/2020 đến ngày 15/9/2023, FLC đã mua lại trước hạn 153 tỷ đồng của lô trái phiếu trên, từ đó hạ số lượng trái phiếu lưu hành xuống chỉ còn 997 tỷ đồng.