Hàng loạt công ty thua lỗ triền miên trong nhiều quý liên tiếp

Mùa báo cáo tài chính quý 3 đã khởi động, bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan thì vẫn tồn tại những doanh nghiệp phải chịu cảnh thua lỗ nặng. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp đã nhiều quý liên tiếp góp mặt trong danh sách này hoặc chuyển từ lãi của cùng kỳ năm trước sang lợi nhuận âm năm nay.

Trong nhóm bất động sản, CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG) báo cáo doanh thu quý 3 là hơn 5 tỷ đồng, nhưng những chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã trở thành áp lực khiến cho công ty lỗ sau thuế 4,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của công ty ghi nhận thu về 24 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ và lỗ ròng 3 tỷ đồng, trong khi ở thời điểm cùng kỳ năm trước đã có lãi hơn 9 tỷ. VRG là công ty có những tên tuổi nổi bật trong danh sách cổ đông như Xây dựng Incotec, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), Đô thị An Lộc, Cao su Tây Ninh (mã TRC), Cao su Đồng Nai.

Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong KQKD quý 3
Các doanh nghiệp đồng loạt báo lỗ sau gần một năm tình hình kinh tế khó khăn

Trong nhóm lương thực, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (mã HKB) báo cáo doanh thu thuần trong quý 3 đạt gần 2 tỷ đồng đã tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế hơn 15 tỷ đồng do gánh nặng vận hành hoạt động sản xuất.

Tính cả kì báo cáo kết quả kinh doanh lần này thì công ty này đã có 15 quý lỗ liên tiếp từ đầu năm 2020. Trung bình, mỗi quý liên tục duy trì mức lỗ sau thuế từ 14 – 15 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ iệc công ty phải trích lập dự phòng cho hoạt động đầu tư giai đoạn trước năm 2017. Đồng thời, những chi phí phát sinh như nguồn lực, nguyên liệu cũng trở thành gánh nặng của doanh nghiệp.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, HKB có doanh thu là 4,6 tỷ nhưng lỗ sau thuế lại gần 44 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, lỗ lũy kế của HKB tiếp tục tăng lên hơn 371 tỷ đồng, nợ phải trả là 172 tỷ đồng mức này đã vượt qua cả vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (mã CPI) cũng không nằm ngoài guồng quay thua lỗ. Doanh thu quý 3/2023 của công ty đạt 8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm xuống còn 250 triệu đồng tụt tận 91% so với cùng kì năm trước. Doanh thu tài chính cũng không khả quan khi Cảng Cái Lân báo lỗ lỗ 770 triệu đồng trong quý 3/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Cảng Cái Lân đã giảm 49% so với cùng kì chỉ còn 23 tỷ đồng. Hiện tại, lỗ sau thuế của công ty là gần 2 tỷ đồng sau 9 tháng hoạt động.

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, quy mô tài sản của công ty chỉ là 42 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền tính ra chỉ gần 518 triệu đồng, giảm 63% so với đầu năm. Bên cạnh đó, công ty còn có khoản nợ phải trả tính dến hết quý 3 lên đến 68 tỷ đồng, vượt qua tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của công ty đã âm tận 25 tỷ đồng còn lỗ lũy kế lên tới 404 tỷ đồng.

Đối với ngành thép, CTCP Thép Vicasa - VNsteel (mã VCA) đã gửi báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần đạt mức 390 tỷ đồng, đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi từ đi mọi chi phí thì lỗ sau thuế của công ty là gần 3 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này cũng không phải quá tệ so với thị trường.

Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong KQKD quý 3
CTCP Thép Vicasa là doanh nghiệp có mức lỗ "dễ chịu" nhất

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Thép Vicasa - VNsteel có mức doanh thu đạt 1.254 tỷ đồng giảm 32% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng tăng 128% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Đầu tư Điện lực 3 (mã PIC) cũng ghi nhận tái lỗ sau chuỗi 7 quý liên tiếp có lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, công ty gây bất ngờ khi báo lỗ trong quý 3/2023 còn doanh thu của quý giảm xuống còn 17 tỷ đồng, trong khi đó những chi phí giá vốn lại tăng mạnh khiến cho lãi gộp dao động ở mức 1 tỷ đồng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ của doanh nghiệp.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 86 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 23 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước

Trong lĩnh vực phân phối xe ô tô CTCP Ô tô Giải Phóng (mã: GGG) cũng nằm trong danh sách báo lỗ với kết quả kinh doanh quý 3/2023 lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng. Trong những năm trước công ty này không công bố kết quả kinh doanh theo quý mà phải đến năm 2023 mới bắt đầu công bố theo quý. Theo báo cáo tài chính của công ty thì từ năm 2011 GGG đã liên tục lỗ.

Riêng trong quý 3/2023, công ty còn không ghi nhận doanh thu nhưng vẫn phải chi cho các khoản chi phí tài chính sản xuất, kinh doanh phát triển doanh nghiệp. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Ô tô Giải Phóng đạt hơn 750 triệu đồng còn lỗ sau thuế lại gần 11 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối quý 3/2023 đạt 322 tỷ và vốn chủ sở hữu âm gần 27 tỷ đồng.

Công ty cổ phần VICEM Thạch cao Xi măng (TXM) cũng ghi nhận mức lỗ trong trong quý 3 vừa qua là hơn 752 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm công ty lỗ gần 4 tỷ đồng, doanh thu thuần cũng giảm còn 82 tỷ đồng, đã giảm 53% so với cùng kì năm ngoái.

Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong KQKD quý 3
Hàng loạt doanh nghiệp đồng loạt báo lỗ trong quý 3/2023

Các doanh nghiệp đang phải trải qua một năm kinh doanh đầy thử thách và biến động, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ còn nhiều doanh nghiệp nữa công bố kết quả kinh doanh lỗ trong khoảng thời gian cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán tình hình của các doanh nghiệp sẽ “ấm” lên vào năm sau.