Thị giá cổ phiếu trong một năm tăng 200%

Sau nhịp điều chỉnh kéo dài khoảng 1 tháng từ đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 9/2023, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng sớm trở lại đỉnh cũ với thời gian tương tự. Giai đoạn 26/10 - 30/11/2023, HSG tăng hơn 29%, từ 16.600 đồng/cổ phiếu lên 21.450 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy 7.140 đồng/cổ phiếu ngày 25/11/202, HSG đã tăng hơn 200% chỉ trong vòng 1 năm.

Tính tới hiện tại, dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, định giá cổ phiếu HSG theo P/E là 585,91 lần, theo P/B là 1,24 lần (trung bình ngành là 1,37 lần). Theo dữ liệu lịch sử P/E từ năm 2013 đến 2021 (giai đoạn kinh doanh có lãi), có thể thấy P/E kỷ lục của Hoa Sen là 25,95 lần vào năm 2018, còn lại giai đoạn bình thường P/E dao động từ 4,55 - 11,47 lần và P/B dao động từ 0,68 - 2,15 lần. Hiện tại, định giá P/E của cổ phiếu HSG đang ở mức cao kỷ lục.

Hoa Sen (HSG) có chuyển biến “lạ”
Kết quả kinh doanh từ năm 2019 - 2023

Thông thường, định giá P/E của các doanh nghiệp sản xuất dao động từ 6 - 11 lần, doanh nghiệp thương mại từ 18 - 25 lần. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen Lê Phước Vũ từng chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, rằng việc phát triển chuỗi Hoa Sen Home (bán lẻ và phân phối vật liệu xây dựng) để có thay thế định giá P/E của Công ty từ đơn vị sản xuất thép với P/E khoảng 4 - 5 lần sang nhóm phân phối, bán lẻ với P/E là 25 lần. Nếu phát triển thành công, định giá công ty sẽ tăng gấp nhiều lần hiện tại.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng mạnh, một số cán bộ chủ chốt của Hoa Sen cùng người thân đã bán ra lượng HSG lớn. Việc cổ phiếu bật tăng mạnh chỉ trong hơn 1 năm và tiến tới vùng định giá P/E cao nhất lịch sử đã thôi thúc lãnh đạo Hoa Sen cùng người nhà thực hiện “chốt lời”. Song, động thái này là tín hiệu cảnh báo thận trọng với các nhà đầu tư cá nhân, tránh trường hợp hưng phấn quá đà mà mua vào nhiều, trong khi không có kế hoạch dự phòng cổ phiếu quay đầu sau khi tăng cao.

Doanh nghiệp còn dè dặt

Trong niên độ tài chính 2022-2023 (từ 1/10/2022-30/9/2023), doanh thu của Hoa Sen đạt 31.650,7 tỷ đồng, giảm 36,3%, lợi nhuận sau thuế đạt 28,37 tỷ đồng, giảm 88,7% so với niên độ trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,9% xuống 9,7%.

Với niên độ này, công ty đặt kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Một là phương án sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, doanh thu ước tính đạt 34.000 tỷ đồng, giảm 32% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với niên độ trước.

Hai là sản lượng thành phẩm đạt 1,5 triệu tấn, doanh thu ước tính là 36.000 tỷ đồng, giảm 28%, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 300 tỷ đồng, tăng 20% so với niên độ trước.

Với kết quả trên, Hoa Sen không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong niên độ tài chính 2022 - 2023, dù theo kế hoạch thận trọng hay tích cực.

Hoa Sen (HSG) có chuyển biến “lạ”
Giá cổ phiếu HSG tăng mạnh

Theo báo cáo phân tích về hoa sen của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây, đề cập đến chiến lược phát triển cho niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ 1/10/2023 - 30/9/2024) của doanh nghiệp này.

Hoa Sen cho biết, thị trường thép dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng năm sau chưa thể kỳ vọng sản lượng tăng trưởng mạnh, vì một số khó khăn như nhu cầu nội địa còn yếu, kinh tế vĩ mô thế giới nhiều rủi ro… Vì vậy, công ty kỳ vọng giá nguyên liệu chính (HRC) không biến động nhiều trong năm 2024 (quanh mức 550 - 600 USD/tấn), đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định này, hạn chế nợ bằng USD để tránh rủi ro tỷ giá.

Về thị trường tiêu thụ, tiếp tục duy trì cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu (tỷ lệ 50:50). Song, vì sức mua trong nước yếu nên sản lượng tiêu thụ đang nghiêng về kênh xuất khẩu, không tập trung tại một thị trường trọng điểm mà đồng thời ở các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á nhằm phân tán rủi ro.

Kế hoạch đặt ra là sản lượng tiêu thụ duy trì trung bình 130.000 tấn/tháng, tương đương sản lượng cả năm 1,56 triệu tấn trong niên độ tài chính 2023 - 2024, tăng 11,4% so với niên độ trước.

Hoa Sen (HSG) có chuyển biến “lạ”
Công ty tập trung vào hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home

Với kế hoạch đầu tư, Hoa Sen không đầu tư lớn cho máy móc, thiết bị mà tập trung vào hoàn thiện hệ thống Hoa Sen Home, gồm mở rộng số lượng sản phẩm bày bán (SKU), trong đó chuyển dần sang các sản phẩm khác có biên lợi nhuận tốt hơn (gạch ốp lát, sơn…) với mục tiêu tăng tỷ trọng của những ngành hàng này lên 50% trong 3 - 5 năm tới; kiểm soát chi phí tại từng cửa hàng, đào tạo nhân viên để có thể tư vấn cho khách hàng với nhiều sản phẩm hơn, đồng thời tập trung tiếp cận các nhà thầu địa phương để có các đơn hàng ổn định; đặt chỉ tiêu bán hàng cụ thể cho từng cửa hàng, từng ngành hàng và yêu cầu mỗi cửa hàng cần có lãi trong vòng 6 tháng… Công ty hiện đang có khoảng 500 cửa hàng (gồm 400 cửa hàng truyền thống và 110 cửa hàng Hoa Sen Home).

Sau khi lao dốc trong niên độ 2021 - 2022, Hoa Sen ghi nhận kết quả kinh doanh niên độ 2022 - 2023 vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Sang niên độ 2023 - 2024, Ban lãnh đạo Công ty vẫn cho thấy sự dè dặt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước còn yếu, biến động với tỷ giá khó lường.

Song, VDSC đưa ra dự phóng cho niên độ tài chính 2023 - 2024 của Hoa Sen sẽ đạt doanh thu khoảng 34.800 tỷ đồng, tăng 10%, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ tăng đột biến lên 782 tỷ đồng, tăng 2.600% so với kết quả của niên độ 2022 - 2023.