Sức mua ngày càng phục hồi

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động, chuẩn bị phục vụ cho những ngày lễ lớn cuối năm và chào đón năm mới. Vì thế, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm cùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo mức giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ đã tăng 9,6%, nếu loại trừ yếu tố giá sẽ tăng 7,0%.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động những tháng cuối năm
Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động, chuẩn bị phục vụ cho những ngày lễ lớn cuối năm và chào đón năm mới. Ảnh minh họa

Tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và chiếm 78% tổng mức. Đáng chú ý, nhóm hàng vật phẩm văn hóa và giáo dục tăng cao nhất, lên đến 14,7%; tiếp đến là nhóm lương thực thực phẩm tăng 11,4%; nhóm may mặc tăng 7,6%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%... Nói chung, thị trường trong nước tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo.

Nhằm chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT đối với việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường cuối năm 2023 cũng như dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận… cho đến nay đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn …

So với cùng kỳ, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng hơn 10%. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đã được các doanh nghiệp chuẩn bị chủ động từ sớm, nguồn hàng dự trữ so với cùng kỳ tăng 10-25%. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai loạt chương trình khuyến mãi và giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt trong tháng cận Tết.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động những tháng cuối năm
So với cùng kỳ, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng hơn 10%. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ hàng Tết

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị đầy đủ các phương án dự trữ hàng Tết, kiến hành kết nối với nhà cung cấp tại các địa phương nhằm khai thác tối đa các đặc sản vùng miền để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Chia sẻ với TTXVN, Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đơn vị này đã sớm xây dựng kế hoạch để triển khai chương trình kinh doanh phục vụ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024 một cách đồng bộ. Thương hiệu Hapro đã thành công xây dựng uy tín trên thị trường suốt nhiều năm với loạt sản phẩm quen thuộc như: Hạt điều rang Hapro; Gạo Hapro Đồng Tháp; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà và thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...

Bên cạnh đó Hapro còn có các sản phẩm do các Đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Tổng Công ty kinh doanh, đặc biệt là bộ sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền tại các tỉnh như: bưởi Diễn, bún khô, mì gạo, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương Sơn La; ngoài ra còn có bộ sản phẩm đặc sản vùng miền của Yên Bái, Hà Giang… Đại diện công ty cho biết: “Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, bao gồm cả lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội”.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động những tháng cuối năm
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị đầy đủ các phương án dự trữ hàng Tết. Ảnh minh họa

Central Retail và GO! Đà Lạt cũng gần như chuẩn bị xong xuôi cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch và đặt hàng những sản phẩm bánh kẹo, mứt phục vụ ngày Tết, chủ yếu là hàng Việt. Từ ngày 27/12/2023 đến hết ngày 10/2/2024, doanh nghiệp đã tiến hành triển khai chương trình “Vui Tết Việt” nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm Việt, giảm giá sâu 20-49% cho hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết cùng các sản phẩm thiết yếu khác…

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, các đơn vị doanh nghiệp chuẩn bị một cách đồng bộ nhằm đảm bảo giá cả hợp lý, tránh xảy ra biến động thị trường, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn sẽ tham gia vào công tác bình ổn thị trường. “Bộ cũng đã phối hợp với các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng cùng nhiều địa phương khác để có nguồn cung hàng hóa rẻ hơn thị trường từ 5-10%”, bà Lê Việt Nga bổ sung.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường ở các địa phương tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát thị trường, tiến hành xử lý vi phạm với những hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán, điển hình như bánh kẹo, đường cát, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá cùng các mặt hàng thực phẩm tươi sống...