Kinh tế thế giới 2023 đầy bất ổn, cơ hội nào cho Việt Nam?
5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu 9,7 tỷ USD

Kinh tế chung tăng trưởng nhưng bất ổn

Trong các báo cáo cập nhật mới đây, một số tổ chức lớn đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 do Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn so với dự báo. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới World Bank nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 2,1% so với dự báo trước đó là 1,7%; trong khi OECD nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 2,7% (dự báo trước đó là 2,6%). Tuy nhiên, các dự báo tăng trưởng cho năm 2023 vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng của năm 2022, đặc biệt là ở các nước phát triển (xem chi tiết trong biểu đồ bên trái).

Nền kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nửa cuối năm 2023 và 2024, bao gồm: môi trường lãi suất cao, những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine và sự thắt chặt tín dụng do bất ổn của lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu. Do đó, hầu hết các tổ chức nghiên cứu chỉ kỳ vọng vào một sự hồi phục nhẹ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Lạm phát hạ nhiệt rõ rệt tại các nền kinh tế phát triển trong 5 tháng năm 2023. Cụ thể, CPI của Mỹ tháng 5/23 tăng 4,0% so với cùng kỳ (so với mức 4,9% so với cùng kỳ trong tháng 4/23), mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Trong khi đó, CPI khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng là 6,1% so với cùng kỳ vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát cơ bản vẫn đang duy trì ở mức khá cao và khó có thể sớm quay trở lại mức mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB.

Các chuyên gia kỳ vọng áp lực lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ hạ nhiệt hơn nữa trong nửa cuối năm 2023 nhờ Fed & ECB mạnh tay tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, Bất ổn gần đây của hệ thống tài chính ở Mỹ và châu Âu dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tín dụng, điều này sẽ làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư khu vực tư nhân. Ở chiều ngược lại, rủi ro làm gia tăng áp lực lạm phát đến từ khả năng leo thang của cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng.

Fed tạm dừng tăng lãi suất điều hành tại cuộc họp tháng 6 sau 10 lần tăng liên tiếp. Động thái này khiến lãi suất quỹ liên bang duy trì ở mức 5% - 5,25%. Fed đồng thời đã phát đi tín hiệu về khả năng có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay do lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất vẫn chưa chắc chắn và phụ thuộc vào dữ liệu thực tế về kinh tế và lạm phát trước mỗi cuộc họp sắp tới. Biểu đồ Dot Plot của Fed cho thấy họ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Mặc dù có thể có thêm 1-2 đợt tăng lãi suất nữa của Fed trong nửa cuối năm 2023, có thể nói rằng lãi suất điều hành của FED đã ở gần mức đỉnh và chu kỳ tăng lãi suất đang ở gần cuối hành trình.

Có sự khác biệt ngày càng tăng trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn. Trong khi FED, ECB và Ngân hàng trung ương Anh BOE tăng mạnh lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ lại nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, BOJ đã duy trì lãi suất điều hành ở mức gần bằng 0 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, PBOC vừa quyết định hạ lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày để hỗ trợ nền kinh tế do tốc độ phục hồi trong 5 tháng đầu năm 2023 thấp hơn kỳ vọng.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

VNDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ (+/-0,3 điểm %) trong nửa cuối năm 2023 (so với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay), qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5% so với cùng kỳ (+/-0,2 điểm %). Các chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,9% so với cùng kỳ (+/-0,3 điểm %) trong năm 2024.

Các yếu tố hỗ trợ chính đến từ việc Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng; Lãi suất cho vay giảm giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; Lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc; và các đơn hàng xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể phục hồi từ quý 4/2023 trong bối cảnh hàng tồn kho tại các nước đã phát triển giảm.

Tổng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn từ quý 4/2022 đến quý 2/2023. Tuy nhiên, tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối quý 1/2023 và dự kiến sẽ giảm trong những quý tiếp theo. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phục hồi trong quý 4/2023 do tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; Chu kỳ thay thế smartphone cũ bằng mẫu mới là 25,3 tháng, tức khoảng 2 năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab), điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu smartphone của Việt Nam kể từ quý 4/2023; Nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại./.