Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn “e ngại”?
Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn “e ngại”?. Ảnh nguồn internet

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng năm 2023 mới chỉ đạt ¼ mục tiêu tăng trưởng cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm: Do tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang thấp. Khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp thì cầu tín dụng không thể cao được. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như tồn kho nhiều, ít đơn hàng, khó khăn trong xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng chưa thực sự sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nêu, thực tế hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Trong khi đó, nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp mời chào vay nhưng lại không có nhu cầu vay (nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng đang thấp).

Nhận định về tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng năm 2023 chậm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế - cho rằng, chỉ giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu, đầu ra không có như hiện nay.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc lãi suất điều hành tiếp tục giảm khiến doanh nghiệp và người dân kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Vì vậy, họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

“Trước tình hình kinh tế biến động chung, hiện các đơn hàng nhiều công ty đang gặp khó khăn về đầu ra. Do đó, doanh nghiệp chỉ đang muốn duy trì sản xuất chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất và cần nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn băn khoăn dù có nhiều ngân hàng giới thiệu nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn mức niêm yết trên thị trường nhưng lại đưa ra yêu cầu cao”, một doanh nghiệp cho hay.

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan quản lý tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, hỗ trợ cả chi phí đầu vào thông qua các chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí. Các ngân hàng cũng cần có những gói tín dụng, giải pháp tài chính thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Hà Anh