Logistics Việt Nam cần khai thác tối đa lợi thế
Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến nay, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực logistics tăng dần thông qua thành lập doanh nghiệp hoặc trụ sở, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam; hay các thương vụ mua bán sáp nhập xảy ra với số lượng và quy mô ngày càng lớn.

Cùng với dịch chuyển dòng vốn quốc tế vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ cũng như trang thiết bị, máy móc nhằm phục vụ cho các hoạt động logistics. Theo số liệu thu thập của Houselink Inc. thì Bình Dương, Long An và Bắc Ninh là nhóm 3 tỉnh thu hút vốn đầu tư nhiều nhất theo hình thức dự án vào ngành Logistics trong các năm vừa qua. Các quốc gia Singapore, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc cũng dẫn đầu nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực logistics. Các xí nghiệp, nhà máy, các ngành công nghiệp từ các quốc gia này đã đổ bộ và mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, Việt Nam đã tận dụng lợi thế rất tốt là cửa ngõ hành lang giao thương quan trọng trong khu vực và mang tầm quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong khi các hợp đồng gia công xuất khẩu vẫn còn bị ảnh hưởng thì Việt Nam kêu gọi đầu tư rất hiệu quả vào ngành logistics về hạ tầng và nguồn nhân lực.

Việt Nam là nước có mặt tiền bờ biển trải dài trên tuyến đường giao thương quốc tế, có thể liên kết với các nước trong khu vực để tối ưu và tối đa nguồn hàng, quãng đường. Dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới (CBT), khu thương mại tự do (FTZ) có thể nâng cao vai trò logistics cũng như vị thế của Việt Nam.

Logistics Việt Nam cần khai thác tối đa lợi thế
Ảnh minh họa.

Ngành logistics cũng đang còn vướng mắc về trình độ kỹ thuật, khả năng quản lý vận hành, nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới. Việc sao chép toàn bộ hệ thống vận hành và quy trình làm việc từ công ty mẹ ở nước ngoài vào Việt Nam tỏ ra không hiệu quả khi mà hệ thống trở nên phức tạp hơn nhiều so với thói quen vận hành thủ công của các bộ phận có liên quan. Nếu chậm trễ trong việc nhận diện được lợi ích lâu dài và thiếu đi một kế hoạch tổng thể cho chuyển đổi số trong lĩnh vực logistic thì càng hạn chế việc phát triển và thu hút nguồn đầu tư.

"Chuyển đổi xanh” cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi các phương tiện chuyên chở sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dần bị hạn chế và thay thế ở nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ thì một trong những yêu cầu tiếp theo là các đối tác của họ ở các nước như Việt Nam cũng phải tuân thủ các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường. Quá trình này đòi hỏi thời gian và kế hoạch chuyển giao công nghệ, quy trình, vốn và cả chính sách vĩ mô, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ thì sẽ thành quá muộn./.