Vì vậy, người dân thường tìm tới những kênh đầu tư khác nhau cho dòng tiền này. Tuy nhiên, với việc thực thi chính sách Bảo hiểm tiền gửi như hiện nay, thì kênh phổ biến nhất, đảm bảo quyền lợi tối đa cho nhà đầu tư là gửi tiết kiệm. Dưới đây là một số hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam.

Đầu tư vàng

Một trong những kênh đầu tư nhàn rỗi phổ biến tại Việt Nam là đầu tư vàng.Người dân mua vàng vào rồi dựa trên sự biến động của giá vàng để thu lợi nhuận, tức là mua bán vàng kiếm lời.

Tuy nhiên, đây là phương thức đầu tư cần được giữ gìn, bảo quản dưới dạng vật chất, việc người dân tự lưu trữ vàng với số lượng lớn tại gia cũng không hề dễ dàng.

Lựa chọn kênh đầu tư nào để bảo vệ quyền lợi tối đa cho bản thân?
Đây là phương thức đầu tư cần được giữ gìn, bảo quản dưới dạng vật chất

Ngoài ra, người mua phải biết nắm bắt thời điểm thích hợp để mua vào hay bán ra thì mới có thể tối ưu lợi nhuận. Giá vàng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các chính sách điều hành thị trường của Chính phủ và thị trường vàng thế giới. Giá vàng có thể tăng nhanh trong thời gian ngắn, cũng có thể giảm ngay lập tức.

Điều này sẽ trở thành rủi ro cho những ai không có kinh nghiệm hay thiếu am hiểu về thị trường vàng. Bên cạnh đó, vàng không sinh lợi tức định kỳ, nghĩa là nếu giá vàng không tăng, nhà đầu tư sẽ không có lợi nhuận từ khoản này.

Đầu tư bất động sản

Bất động sản là kênh mang lại lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi số vốn ban đầu lớn. Số vốn này được dùng để mua đất hoặc nhà. Khi giá đất hoặc nhà tại địa phương đó tăng lên thì có thể bán ra để hưởng chênh lệch.

Điểm yếu của kênh đầu tư này là vốn ban đầu quá lớn và thời gian đầu tư có thể kéo dài so với kế hoạch đưa ra. Sự biến động liên tục của thị trường bất động sản vừa có thể mang lại nhiều cơ hội, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư.

Đồng thời, khi chọn đầu tư BĐS, ngoài việc người dân phải có cơ sở kinh tế ổn định thì còn cần có tầm nhìn xa, không chạy theo xu hướng đám đông, phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để có quyết định đầu tư dài hơi.

Đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử

Đây là một hình thức đầu tư đang được nhiều người quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, đầu tư tiền điện tử có nhiều khả năng gặp rủi ro cao. Tính tới nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa công nhận tính hợp pháp của kênh đầu tư này. Do đó, tình trạng lừa đảo qua các sàn giao dịch tiền điện tử diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức mới.

Các sàn giao dịch này thường được điều hành bởi nhóm đối tượng ẩn danh tổ chức, không có đăng ký kinh doanh, không trụ sở tại Việt Nam hay người đứng đầu cụ thể. Kênh này hoạt động dưới hình thức đầu tư tài chính, giao dịch mà nhà đầu tư sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hay giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số… tại thời điểm đoán.

Lựa chọn kênh đầu tư nào để bảo vệ quyền lợi tối đa cho bản thân?
Đầu tư tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro

Các đối tượng lừa đảo còn lập nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, thường xuyên đăng ảnh nhận lãi, mua nhà, xe nhằm lôi kéo thêm người tham gia là những người không rành về tài chính, người lớn tuổi, người sống tại vùng nông thôn…

Sau khi người tham gia đầu tư nhiều, các đối tượng này sẽ bỏ trốn hoặc đánh sập website để không ai có thể truy cập được và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của người gửi. Vậy nên, khi đầu tư tiền điện tử, người dân phải bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, lựa chọn những tổ chức uy tín, nhận nhiều phản hồi tích cực và có độ an toàn cao.

Đầu tư vào thị trường ngoại hối (Forex)

Giao dịch ngoại hối cũng là thuật ngữ được nhắc đến khá thường xuyên trong thị trường đầu tư. Giao dịch ngoại hối (với tên gọi phổ biến là FOREX hay FX hay Spot FX) là một thị trường toàn cầu. Ở đây diễn ra sự trao đổi ngoại tệ hay những giấy tờ có giá trị thanh toán tương đương trên thị trường quốc tế.

Forex là một trong những thị trường được giao dịch tích cực nhất trên thế giới, liên quan tới mọi sự chuyển đổi từ một loại tiền tệ của quốc gia này sang loại tiền tệ của quốc gia khác. Gồm cả hoạt động giao dịch vốn, giao dịch vãng lai, các hoạt động sử dụng hoặc cung ứng dịch vụ về ngoại hối trên bất kỳ lãnh thổ nào.

Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư kênh này, người dân phải lưu ý các biến động tỷ giá ngoại tệ đều có khả năng bị ảnh hưởng từ biến động kinh tế trong và ngoài nước. Nhà đầu tư cần phân tích thị trường ngoại hối để đưa ra quyết định hợp lý nhất. Phải tìm ra được “thời điểm vàng” để giao dịch, nếu bỏ lỡ, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại.

Đầu tư trái phiếu

Trái phiếu là một loại giấy ghi nợ của các doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nước cung cấp cho nhà đầu tư. Mua trái phiếu đồng nghĩa với việc người dân cho các doanh nghiệp, ngân hàng đó vay nợ.

Hình thức này có lợi thế là tỷ lệ lãi suất cao hơn hình thức gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Nhà đầu tư có nguy cơ vỡ nợ nếu mua phải trái phiếu của công ty có tiềm lực kinh tế không ổn định.

Gửi tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng

Gửi tiết kiệm ngân hàng hay các tổ chức tín dụng (TCTD) là kênh đầu tư tiền nhàn rỗi phổ biến, đơn giản và an toàn nhất. Người gửi tiền chỉ cần lựa chọn một TCTD có tỷ suất lợi nhuận cao và chọn kỳ hạn phù hợp với nhu cầu bản thân. Qua đó, người dân vừa có nơi cất giữ tiền an toàn, vừa có thể thu lời một cách dễ dàng.

Điểm yếu của hình thức đầu tư này là lợi nhuận sẽ thấp hơn so với những hình thức phía trên.

Lựa chọn kênh đầu tư nào để bảo vệ quyền lợi tối đa cho bản thân?
Gửi tiền vào ngân hàng phù hợp với đại đa số người dân

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2023, tổng tiền gửi của dân vào hệ thống ngân hàng đã chạm ngưỡng hơn 6,43 triệu tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân là bởi đại đa số người dân xem việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn, được pháp luật bảo hộ.

Cụ thể, khi gửi tiền vào các TCTD đồng nghĩa với việc số tiền đó được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Đây biện pháp phòng ngừa rủi ro thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG và chi trả bảo hiểm cho người được BHTG khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Các TCTD phải tham gia BHTG bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Luật BHTG quy định, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD. Trong trường hợp TCTD bị giải thể hoặc phá sản thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả tiền gửi cho người gửi tiền với hạn mức bảo hiểm là 125 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi tại một tổ chức tham gia BHTG. Phần vượt hạn mức này sẽ được chi trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG.

Có thể thấy, thông thường khi có nguồn tiền nhàn rỗi, người dân có thể đầu tư vào những kênh khác nhau như vàng, chứng khoán, bất động sản… Nhưng, những hình thức đầu tư này đều yêu cầu người dân mất nhiều thời gian nghiên cứu và học hỏi để có kiến thức, kinh nghiệm, tránh việc hao mòn tài sản.

Do vậy, nếu người dân chưa am hiểu đủ về các kênh đầu tư, vẫn chưa biết nên để tiền nhàn rỗi vào đâu, thì gửi tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng là giải pháp tối ưu nhất. Đây là hình thức đầu tư phù hợp với số đông, vừa an toàn, vừa ổn định lại ít chịu tác động từ thị trường tài chính và nhất là được bảo vệ bởi định chế của Nhà nước.