Phân khúc bất động sản công nghiệp đang là “nam châm” thu hút đầu tư.

Dòng vốn chảy đều

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI khi đạt 858,4 triệu USD, chiếm 5,2%.

Lực hút bất động sản công nghiệp từ dòng vốn FDI
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI. Ảnh VnEconomy

Nhìn từ thực tế, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thông tin từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư ngoại cũng đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước, đặc biệt là các dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý. Thị trường ghi nhận một số thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) của một số doanh nghiệp ngoại như Keppel Land, Frasers, Central Retail... với phương thức mua bán, chuyển nhượng chủ yếu.

Bất chấp những khó khăn chung của thị trường, với mục tiêu đón sóng FDI đổ vào Việt Nam, nhu cầu thuê đất công nghiệp vẫn tiếp tục sôi động trong năm qua. Một số tỉnh thành phía Bắc đang hoàn thiện và công bố quy hoạch nhằm “dọn tổ đón đại bàng”. Các chủ đầu tư cũng đẩy mạnh hoàn thiện tính pháp lý. Do đó, dự kiến giai đoạn 2023-2026, nguồn cung đất khu công nghiệp sẽ tăng đáng kể, đạt gần 5.000ha.

Mới đây, tại Bình Dương, Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc) đã hoàn tất việc đầu tư thêm hơn 250 triệu USD nâng tổng quy mô đầu tư lên trên 1,37 tỷ USD để mở rộng dây chuyền sản xuất các sản phẩm sợi siêu bền. Với mức đầu tư thêm này Polytex Far Eastern trở thành doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn nhất của tỉnh ở thời điểm này. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) cũng cho biết sẽ bắt đầu tuyển dụng hàng nghìn lao động tay nghề cao kể từ quý 1/2024 cho nhà máy 1,3 tỷ USD đang triển khai theo đúng kế hoạch.

Còn tại Bắc Ninh, kể từ tháng 10/2023 Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) chính thức đưa nhà máy quy mô 23 ha (giai đoạn 1) đi vào hoạt động. Đây được xem là sẽ trở thành cứ điểm toàn cầu quan trọng trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất các thế hệ chip bán dẫn tiên tiến.

Lực hút bất động sản công nghiệp từ dòng vốn FDI
Với làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang là “bến đỗ” lý tưởng. Ảnh Báo đầu tư

Với làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang là “bến đỗ” lý tưởng. Ông John Campbell - Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, với vị trí địa lý chiến lược, môi trường kinh doanh ổn định và việc tham gia tích cực vào loạt Hiệp định thương mại tự do thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam để mở rộng các nhà máy. Savills Việt Nam cũng ghi nhận ngày càng nhiều yêu cầu và số lượt khảo sát địa điểm cho các doanh nghiệp muốn đầu tư. Chính đây đã tạo ra sức cầu mạnh mẽ cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Xu hướng chính

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Group thông tin việc có nhiều khu công nghiệp chưa đi vào hoạt động và những kế hoạch sẽ triển khai cho thấy dư địa phát triển bất động sản công nghiệp là rất lớn. Phân tích rõ hơn ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp - Savills Việt Nam đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại bởi các nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp hiện nay đang trở thành một bài toán khó khi tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức cao, trong khi nguồn cung mới không nhiều. Do đó, ông John Campbell cho rằng cần giải quyết các vấn đề thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung thị trường.

Lực hút bất động sản công nghiệp từ dòng vốn FDI
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Group. Ảnh Reatimes

Giới chuyên gia đánh giá, thời gian tới, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ được định hình bởi hai xu hướng chuyển dịch chính. Thứ nhất, sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư ra các địa phương. Thứ hai, nhu cầu bùng nổ về nhà kho nhiều tầng đa dụng (7-8 tầng, có hệ thống hỗ trợ để lấy hoặc lưu trữ hàng), nhà xưởng xây sẵn. Sở dĩ hình thành xu hướng này do sự phát triển mạnh của thương mại điện tử. Ước tính trong giai đoạn 2021-2026, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam ước tính đạt 39 tỷ USD với tăng trưởng kép 25%. Con số này cho thấy Việt Nam sẽ cần diện tích nhà kho khá lớn cho thương mại điện tử trong thời gian tới. Cushman & Wakefiled ghi nhận tính đến đầu tháng 10/2023, giá thuê kho lạnh đạt mức 0,88 USD mỗi pallet/ngày. Tỷ lệ trống của kho lạnh hiện nay chỉ còn vài phần trăm diện tích.

Chuyên gia cho rằng, xu hướng dịch chuyển đầu tư đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng và làn sóng đầu tư vào phân khúc này ngày càng mở rộng.

Giám đốc quốc gia JLL Việt Nam Paul Fisher cũng chia sẻ sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Ông thông tin, một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc ở Việt Nam và như vậy. Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp gia tăng nguồn cung bất động sản và xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhà ở và đầu tư của nước ngoài. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên cũng có không ít những khó khăn cần tháo gỡ như thiếu quỹ đất, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương thì điều kiện thuận lợi và khó khăn mỗi khác. Giá thuê hạ tầng bất động sản công nghiệp cũng sẽ phụ thuộc vào từng khu, cụm công nghiệp của đơn vị phát triển hạ tầng. Chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp là một loại tài sản thương mại, do đó, cần phải có sự kiểm soát để tránh tình trạng các địa phương và doanh nghiệp tăng giá khi niềm tin trên thị trường tăng lên.

Như vậy là, bên cạnh những điều kiện thuận lợi để phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp nhờ lực hút từ dòng vốn FDI bứt phá thì vẫn cần phải chú ý đến những nguy cơ tiềm ẩn, tránh “đòn bẩy tăng trưởng” làm ảnh hưởng tới sự ổn định, lạnh mạnh của thị trường thời gian tới.