Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm, hàng loạt các tập đoàn FDI của Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore hay Đan Mạch… đều đề xuất được góp vốn vào mảng năng lượng xanh tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang là thị trường dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển điện gió và điện mặt trời.

Thực tế, những nguồn năng lượng từ mặt trời, gió, năng lượng địa nhiệt, nước, năng lượng sinh học và năng lượng đại dương là 6 trong số nhiều nguồn năng lượng xanh đang được ưu tiên sử dụng và phát triển trên thế giới.

Mảng năng lượng tái tạo của Việt Nam liên tục ‘hút vốn’ từ các ‘cá mập’ ngoại
Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên cho việc phát triển những nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc sản xuất điện. Ảnh minh họa

Ngày 14/12 vừa qua đã diễn ra buổi Diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023” lần thứ 6. Thông tin từ diễn đàn này cho thấy, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển điện gió và điện mặt trời.

Theo đó, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống tại Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đạt 79.250 MW. Trong số đó, tổng công suất của những nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm có điện gió và điện mặt trời) chiếm tỷ trọng lên đến hơn 26% và đạt khoảng 20.165 MW.

Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên cho việc phát triển những nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc sản xuất điện. Ước tính đến năm 2030, nguồn điện này sẽ chiếm tỷ lệ dao động trong khoảng 30,9% đến 39,2%.

Mảng năng lượng tái tạo của Việt Nam liên tục ‘hút vốn’ từ các ‘cá mập’ ngoại
Tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống tại Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đạt 79.250 MW. Ảnh: Doanhnhan.vn

Thời điểm hiện tại, Chính phủ sau khi phê duyệt Quy hoạch điện VIII sẽ ban hành kế hoạch thực hiện, kế hoạch này sẽ khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực quản trị cao tham gia đầu tư các dự án điện tại Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam hiện nay đang có cơ hội xuất khẩu tổng cộng 1,2 GW điện carbon thấp sang Singapore, chủ yếu là điện gió. Vì thế, nhiều tập đoàn nước ngoài trong thời gian gần đây cũng thể hiện sự quan tâm rõ nét đến việc ‘rót vốn’ vào những dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Loạt doanh nghiệp ngoại liên tục ‘rót tiền’

Trước đó vào sáng ngày 2/11, ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ông Nicolai cho biết, một số doanh nghiệp của Đan Mạch hiện tại đang đánh giá, khảo sát cũng như nghiên cứu khả thi, tìm kiếm đối tác đầu tư cho những dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với mức giá phù hợp. Điển hình, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) và Công ty Copenhagen Offshore Partners (COP) hiện đang củng cố cam kết đầu tư vào các dự án dài hạn tại Việt Nam.

Ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp tại UAE. Tại đây, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) và Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) cũng đã ngỏ ý về việc đóng góp vào mục tiêu tham vọng của Việt Nam khi đưa phát thải ròng về con số 0 vào năm 2050.

Được biết, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) có trụ sở chính tại Đan Mạch, đây là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi cũng như quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu trên thế giới. CIP hiện nay đang có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD về năng lượng tái tạo đến năm 2030. Ở Việt Nam, ‘cá mập’ ngoại này là nhà đầu tư chính của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận). Thời điểm hiện tại, tập đoàn cũng đang tìm kiếm các cơ hội phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với quy mô lớn tại các tỉnh thành khác.

Mảng năng lượng tái tạo của Việt Nam liên tục ‘hút vốn’ từ các ‘cá mập’ ngoại
Nhiều tập đoàn nước ngoài trong thời gian gần đây cũng thể hiện sự quan tâm rõ nét đến việc ‘rót vốn’ vào những dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Mặt khác, Enterprize Energy (EE) là tập đoàn đa ngành của Anh chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển cũng như phát triển năng lượng như dầu khí, nhiệt điện, điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Trina Solar đến từ Trung Quốc trong chuyến làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên vào tháng 11/2023 đã đề xuất về việc triển khai giai đoạn 3 của Dự án Nhà máy phát triển năng lượng tại Thái Nguyên. Mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 420 triệu USD - con số đầu tư lớn nhất của ‘ông lớn’ này trong lĩnh vực quang điện tại nước ngoài.

Một cái tên khác đến từ Trung Quốc là Tập đoàn Hoa điện Trung Quốc (CHD) cũng đã đề xuất được mở rộng hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mục đích phát triển thị trường năng lượng xanh trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Ở Việt Nam, Tập đoàn Hoa điện Trung Quốc đã đầu tư và quản lý vận hành các dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2, dự án điện gió Đắk Lắk… thông qua đơn vị trực thuộc là Công ty Công trình Hoa Điện Trung Quốc (CHED). Thời điểm hiện tại, tập đoàn đã hoàn thành việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chuyển đổi năng lượng như kèm than và biomass, amoniac và sản xuất nhiên liệu hydrogen xanh.

Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng xanh và nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore. Thông tin này đã được Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam Ian Tan chia sẻ ngày 15/12 trong chuyến làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị.

Ngày 17/12, trong Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, Thống đốc tỉnh Kanagawa chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác tỉnh Kanagawa với Việt Nam trong các lĩnh vực mà tỉnh này có thế mạnh, trong đó có cả năng lượng tái tạo. Hiện tại, Kanagawa đã có 24 doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; ngược lại, cũng đã có 17 doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Kanagawa.