Mở rộng không gian mới cho doanh nghiệp phát triển
Mở rộng không gian mới cho doanh nghiệp phát triển

Tại “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” diễn ra sáng 19/7. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thời gian qua do các biến động phức tạp về địa chính trị thế giới đã và các thị trường lớn của Việt Nam đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn...

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

“Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định hơn, và suy giảm nhu cầu ở các thị trường chủ chốt đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp phải tìm kiếm đầu ra ở các thị trường xuất khẩu mới, cũng như từ thị trường trong nước.

“Sự chuyển hướng ấy sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu đặt trong khung chính sách tổng thể về lưu tâm, cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chính ở đây, vai trò của các chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân là rất quan trọng”, bà Minh nêu rõ.

Để mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, bà Hồng Minh cho rằng cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất có thể, bền vững nhất có thể. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm.

Trong khi đó, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần nới lỏng các vấn đề về quản lý. “Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong. Tôi cảm nhận thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó bên trong cũng “thắt”. Nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao”, ông Cường nhận định vấn đề nới lỏng bên trong là rất cần thiết. Đúng là phải kiểm soát các quy chuẩn nhưng trong một mức nào đó.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề lãi suất, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách tài khoá cần hướng sang hỗ trợ tốt hơn cho giảm lãi suất vay, tạo sức mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Với bản thân doanh nghiệp ông Cường lưu ý phải “tự cứu mình” trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phải lựa chọn, lược bỏ những điểm không phải thể mạnh, sử dụng những quy trình, đổi mới mô hình, đặc biệt là chuyển đổi xanh.

Mộc Miên