Giới đầu tư cho rằng không cần thiết phải yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền khi giao dịch chứng khoán. Bởi điều này có thể khiến hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư gặp trở ngại, ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán.

Kinh nghiệm bỏ yêu cầu ký quỹ 100% từ nhiều nước

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã có nhiều nỗ lực khi cải thiện những tiêu chí để đáp ứng điều kiện của một thị trường mới nổi. Thế nhưng vẫn còn một số bất cập cần phải giải quyết, trong đó có việc tháo gỡ quy định bắt buộc ký quỹ 100% bằng tiền mặt khi giao dịch.

Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Saigon Ratings cho biết Trên thế giới hiện nay còn rất ít thị trường chứng khoán dùng cơ chế ký quỹ trước giao dịch (Nga, Việt Nam, Kenya, và Kazakhstan). Phần lớn các thị trường phát triển và một số thị trường mới nổi đã và đang dùng tài sản đảm bảo như một giải pháp quản lý rủi ro thành công.

Mối lo nhà đầu tư bùng tiền giao dịch ký quỹ: Đâu là giải pháp?
Giới đầu tư cho rằng không cần thiết phải yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền khi giao dịch chứng khoán

Theo đánh giá của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), đối với một thị trường tài chính phát triển, việc dùng tài sản đảm bảo hiệu quả và hợp lý là một nguyên tắc quan trọng cho cơ sở hạ tầng.

Ông Minh nói: "Thực tế vận hành của các thị trường chứng khoán quốc tế cũng như Việt Nam, với đặc điểm giao dịch không hủy ngang thì chứng khoán/tiền của lệnh giao dịch sau khi được khớp chính là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch. Do đó, yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch theo tôi là quy định không cần thiết, gây trở ngại cho hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư và tính thanh khoản của thị trường”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, tỉ lệ nhà đầu tư không thanh toán khi không ký quỹ chỉ 2% ứng với mức thiệt hại 3 tỷ USD/năm,

Ông Đặng Hồng Quang - Giám đốc, Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội, VinaCapital đã chỉ ra một trong những điểm nghẽn trong thay đổi tỉ lệ ký quỹ là hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Đây sẽ là cơ sở kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư ngoại phải có đúng 100% tiền trong tài khoản trước khi mua.

Ông Quang cho biết các công ty chứng khoán có thể phối hợp với các bên liên quan để hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư ngoại nhằm triển khai giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề này.

Đẩy mạnh kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro

Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần kiểm soát chặt chẽ bởi rủi ro là là hiện hữu. Uỷ ban sớm muộn cũng triển khai điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ nhưng cần có lộ trình.

Theo ông Sơn, trách nhiệm của công ty chứng khoán là quan trọng. Làm sao cho giao dịch ký quỹ chỉ 10%, 90% đến ngày T+2 mới thanh toán khi phải tuân thủ 100% tiền ký quỹ còn chưa thực hiện được? Thế nhưng, tinh thần tháo gỡ để đảm bảo tiêu chí và chọn công ty chứng khoán triển khai là rất quan trọng.

Theo đề xuất của TS Cấn Văn Lực, cần kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử phạt từ 1.000 đến 5.000 USD hay tính tiền phạt dựa vào tỉ lệ số tiền nhằm phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, tăng thẩm quyền đối với các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự có quyết định. Họ sẽ được phép quyết định một số nhà đầu tư có cần ký quỹ không. Theo đó, cũng cần có chính sách xử lý rủi ro và công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, thanh lý chứng khoán khi họ không thể thanh toán.