Liệu lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm nữa?

Dữ liệu của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, tính đến đầu tháng 12/2023, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã xuống mức 5,13%/năm, giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2022, thậm chí thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Trước đó, một số đơn vị nghiên cứu cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ về mức 5% vào cuối năm 2023. Nguyên nhân chính khiến lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu là do nhu cầu vay vốn thấp của doanh nghiệp và người dân khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa.

Trong tháng 12, xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp diễn tại các ngân hàng quốc doanh và tư nhân. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đang ở mức 4,8%/năm của Vietcombank là mức thấp nhất hệ thống và thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 (BIDV, VietinBank, Agribank đều đang áp dụng mức lãi suất là 5,3%/năm).

Nếu lãi suất huy động giảm sâu hơn nữa điều gì sẽ xảy ra?
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Vietinbank ở mức 5,3%/năm

Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng đã đưa lãi suất huy động cao nhất về quanh mốc 5%/năm. Chẳng hạn như ACB, mức lãi suất huy động tối đa mà nhà băng này áp dụng là 4,9%/năm, thấp hơn cả một số ngân hàng trong nhóm Big 4. Hay như VPBank, với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng chỉ có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm. Hay tại Techcombank đã giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 5,2%.

Nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu lãi suất còn tiếp tục giảm nữa không và nếu lãi suất giảm sâu điều gì sẽ xảy ra?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất sẽ đi ngang ở mức hiện tại từ nay đến cuối năm. Bước sang đầu năm 2024, lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại bởi tình trạng dư thừa tiền của các ngân hàng sẽ không thể kéo dài, một phần do từ nay đến cuối năm, nhu cầu về vốn sẽ gia tăng nên vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất để hút tiền gửi người dân.

Không chỉ vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn nữa cũng khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa. Hay nói cách khác, khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách duy nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, chứ muốn nới lỏng thêm nữa cũng không được. Và nếu lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản và “bong bóng tài chính” lại tiếp tục hình thành, gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế. Do đó, lãi suất huy động cần giữ ở mức 5% để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương, tạo sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, lãi suất huy động hiện đã giảm kịch sàn nên khó có thể kỳ vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thêm. Hơn thế, lạm phát được dự đoán trong khoảng 3,3% - 3,5% trong năm nay, nên lãi suất huy động cũng phải neo ở mức tương xứng nhằm đảm bảo mức lãi suất thực dương, thỏa mãn yêu cầu gửi tiền của người dân.

Nếu lãi suất huy động giảm sâu hơn nữa điều gì sẽ xảy ra?
Lãi suất huy động cần giữ ở mức 5% để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương, tạo sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng

Lãi suất huy động giảm sâu có tốt không?

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đơn giản nhất có thể hiểu lãi suất thực dương là mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Hay nói cách khác, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát.

Nhiều năm nay, Việt Nam duy trì chính sách lãi suất thực dương và kiểm soát lạm phát cũng như giữ giá trị đồng tiền, không nới lỏng thái quá.

Có thể thấy, chính sách lãi suất thực dương sẽ làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm do với đầu tư vào ngoại tệ, vàng, bất động sản,... qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các ngân hàng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hòa và cân bằng hơn. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất thực dương còn khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn, do đó làm tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lãi tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm khoảng trên 5%. Xét về lạm phát thì lãi suất ngân hàng không còn nhiều hấp dẫn. Nhưng đó là về mặt nguyên tắc, thực tế còn tùy thuộc vào các kênh đầu tư khác bao gồm vàng, chứng khoán, bất động sản hay ngoại tệ. Hiện tại, tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự hết khó khăn, vàng tăng giá nhưng không ổn định và chênh lệch khá cao so với thế giới, ngoại tệ có khả năng tăng như không đảm bảo.

Nếu lãi suất huy động giảm sâu hơn nữa điều gì sẽ xảy ra?
Lãi suất thực âm với một nền kinh tế như Việt Nam sẽ "hại" nhiều hơn "lợi"

So sánh lãi suất huy động hiện tại với lạm phát, vị chuyên gia cho rằng lãi suất tiền gửi khó có thể giảm sâu, sẽ đi ngang ở mức 5% cho kỳ dài hạn. Trong khi đó, làn sóng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xuất hiện nhằm giảm thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng không nên duy trì lãi suất thực âm, bởi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng, lãi suất thực âm với một nền kinh tế như Việt Nam sẽ “hại” nhiều hơn “lợi”. Phân tích về điều này, ông Huy cho hay, lãi suất thấp hơn lạm phát sẽ khiến nhiều người không gửi tiền. Khi thanh khoản khó khăn sẽ quay lại tác động lãi suất cho vay. Quan trọng hơn, khi đồng tiền mất giá sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

“Tiền tiết kiệm trong nền kinh tế cũng rất quan trọng. Không tự nhiên nhiều quốc gia trên thế giới duy trì chính sách lãi suất thực dương", vị chuyên gia cho hay.