Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới

Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới

Kinh tế vẫn phục hồi chậm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP trong quý 2-2023 tăng trưởng 4,1% so với với cùng kỳ năm 2022. Con số này cao hơn mức tăng trưởng 3,2% của quý 1 nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất trong các quý 2 của giai đoạn 2011-2023, ngoại trừ quý 2 của năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Như vậy, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP mới chỉ đạt 3,7%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 ở mức 6,5% của Chính phủ được đưa ra từ đầu năm thì GDP trong 6 tháng còn lại phải tăng khoảng 9%. Do đó, ngành công nghiệp phải có sự phục hồi mãnh mẽ với mức tăng trưởng 2 con số, trong khi đó khu vực nông nghiệp và dịch vụ vẫn phải giữ được nhịp tăng trưởng cao như hiện nay. Kịch bản này được cho là rất khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

Nếu như nông nghiệp và dịch vụ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như trong giai đoạn trước dịch Covid-19 thì lĩnh vực công nghiệp, mặc dù tăng trưởng cao hơn quý 1 những vẫn thấp hơn nhiều so với số bình quân khoảng 9% của giai đoạn 2018 - 2019 (trước Covid-19). Sự sụt giảm của ngành công nghiệp chủ yếu là do cầu tiêu dùng trên thị trường quốc tế suy yếu, bởi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 8,4%.

Quan sát sản lượng sản xuất của 2 mặt hàng có giá trị lớn trong ngành công nghiệp thì hoàn toàn thấy được khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Nếu như mặt hàng quần áo đang cho thấy sự phục hồi nhanh về sản lượng sản xuất thì điện thoại di động lại ghi nhận tháng thứ 8 liên tiếp sụt giảm xuống dưới mức bình quân trong nhiều tháng gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 164 tỷ USD, giảm tới 12% so với cùng kỳ của năm 2022. Đây là mức giảm rất lớn mà nhiều năm gần đây chưa ghi nhận, ngay cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020. Số liệu này một lần nữa cho thấy cầu tiêu dùng yếu từ thị trường quốc tế trong bối cảnh tồn kho tại các cửa hàng bán lẻ vẫn còn ở mức cao.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị lên tới 109 tỷ USD trong năm 2022 nhưng lại là thị trường ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất, lên tới 20,9% trong 5 tháng của năm 2023. Hầu hết các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng âm trong 5 tháng của năm 2023 như hàng điện tử, điện thoại, máy móc cũng như dệt may, giày dép, v.v.

Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất trong tháng 6 ở mức 46 điểm, mặc dù tăng nhẹ so với tháng 5 nhưng vẫn còn cách xa mức 50 điểm. Điều đó cho thấy tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra và chưa được cải thiện. Như vậy ngành công nghiệp gần như khó đạt được mức tăng trưởng cao 2 chữ số như trong giai đoạn trước dịch Covid-19.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng

Với bối cảnh hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong 2023 của Chính phủ sẽ khó đạt được. Lĩnh vực công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh, trong khi nông nghiệp và dịch vụ cũng không thể tăng trưởng đột biến để bù đắp cho sự sụt giảm của ngành công nghiệp. Nhóm nghiên cứu dự báo mức tăng trưởng khả thi sẽ quanh vùng 4,5% trong năm 2023. Trong đó, công nghiệp chỉ tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ của năm 2022, mức thấp nhất trong 3 khu vực của nền kinh tế.

Chính phủ vẫn đang rất nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp khác nhau, cả ở chính sách tài khóa và tiền tệ để có thể tiến gần hơn tới mục tiêu của mình. Tổng nguồn vốn đầu tư công cần phải giải ngân trong năm 2023 lên tới 707 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với con số kế hoạch của năm 2022 nhưng nguồn vốn đã giải ngân được trong 6 tháng của năm 2023 đã tăng 26% so với cùng kỳ của năm 2022. Với hàng loạt các dự án hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai xây dựng như hệ thống đường cao tốc, đường vành đai 3 của Tp.Hồ Chí Minh, vành đai 4 của Hà Nội, v.v. sẽ thúc đẩy doanh số tiêu thụ sản phẩm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, v.v.

Không giống với diễn biến của nhiều nước trên thế giới, lạm phát của Việt Nam trong tháng 6 chỉ tăng 2% so với tháng 6 của năm 2022. Theo dự báo của TCBS, chỉ số giá CPI sẽ tiếp tục ổn định ở vùng thấp trong các tháng còn lại của năm 2023. CPI bình quân cả năm 2023 sẽ chỉ quanh mức 2,75%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kiểm soát dưới 4,5% mà Quốc hội giao cho Chính phủ từ đầu năm.

Lãi suất và tỷ giá đều sẽ giảm vào cuối năm

Để cải thiện hay thúc đẩy phía cung của nền kinh tế thì Chính phủ có thể sử dụng công cụ lãi suất trong chính sách tiền tệ. Số liệu của NHNN cho thấy tính đến ngày 27-6, tín dụng của toàn hệ thống chỉ tăng 4,03% so với đầu năm 2023, thấp hơn nhiều so với con số khoảng 9% của cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây mặc dù NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành trong quý 2 vừa qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn và lạm phát thấp, dự báo NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm các loại lãi suất điều hành. Trần lãi suất huy động có thể giảm xuống mức 4% vào cuối năm 2023, tương đương với thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra. Từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của nhóm G18 đã giảm 123 điểm cơ bản và dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa ở mức cao. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh trong tháng 6, kỳ hạn 1 tuần hiện đang dao động quanh vùng 1%, thấp nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Vì vậy chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhanh (lãi suất VND thấp hơn USD) và trải dài từ kỳ hạn qua đêm (ON) cho đến 4 tháng. Diễn biến này có thể thúc đẩy việc nắm giữ USD để hưởng chênh lệch lãi suất, qua đó gây áp lực lên tỷ giá USD/VND (tỷ giá).

Tháng 6 và 7 hàng năm đều là giai đoạn thấp điểm về nguồn cung ngoại tệ. Do đó, trong môi trường lãi suất âm tỷ giá đã ghi nhận mức tăng mạnh, lên tới 1% chỉ trong 1 tuần trở lại đây và hiện đang dao động quanh vùng 23.700 đồng/USD. Mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới do cung tiền sẽ vẫn tăng lên khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, trong khi đó cầu về tín dụng sẽ vẫn ở mức thấp.

Bối cảnh trên thị trường quốc tế đang cho thấy xu hướng ngược lại. Cả Fed và thị trường đều đang cho rằng sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong nửa cuối năm 2023. Chính vì vậy chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD có thể sẽ còn giảm thêm. Tỷ giá dự báo sẽ biến động mạnh trong tháng 7 và chịu áp lực tăng thêm trong các tháng tới. Mức tăng của tỷ giá kỳ vọng sẽ quanh vùng 1% so với hiện nay, tức là có thể chạm mốc 24.000 rồi sau đó sẽ có xu hướng ổn định hơn vào cuối năm 2023./.

PV