Mới đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã công bố giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên tới 2,6%/ năm để xúc tiến hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Đại diện Nam A Bank chia sẻ: "Cuối năm là thời điểm quan trọng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng. Chúng tôi cam kết tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng và doanh nghiệp, giúp họ nâng cao sản xuất, kinh doanh và chất lượng cuộc sống”.

Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng hiện hữu
Các ngân hàng đang tiếp tục áp dụng chương trình giảm lãi suất cho vay

Trước đó, Nam A Bank đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để đồng hành với doanh nghiệp và người dân trước những khó khăn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng còn tập trung vào số hoạt động và cắt giảm chi phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tệp khách hàng.

Ngoài Nam A Bank, cũng có nhiều nhà băng khác đã thực hiện gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang triển khai 3 gói vay ưu đãi có tổng quy mô đạt tới 13.000 tỷ đồng.

Lãi suất vay từ 5%/năm còn tỉ lệ cho vay đạt tối đa 85%, và thời hạn vay đạt tới 35 năm. Đáng chú ý, gói vay cho sản xuất kinh doanh được thiết kế với lãi suất 5%/năm cố định trong nửa năm đầu, mặt khác, lãi suất cho vay mua nhà là 5,9%/năm, vay mua xe ô tô là 7%/năm.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thực hiện nhiều gói vay ghi nhận tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ mức 6,5%/năm. Trong đó, khách hàng vay mua nhà sẽ có cơ hội hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm và vay mua ô tô với mức lãi suất từ 9,5%/ năm.

OCB trước đó đã giới thiệu 2 gói lãi suất ưu đãi khách dành cho khách hàng cá nhân với mức giảm lãi suất 1,8% bình quân kỳ hạn 1 năm và tổng hạn mức lên tới 12.000 tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng hiện hữu
Ảnh minh họa

Trong khi, chương trình giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) được thực hiện từ tháng 6 đến hết năm nay. Tổng số tiền giảm lãi suất dự kiến lên tới 350 tỷ đồng, ứng với số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng cho đợt giảm lãi suất này.

Ngoài các gói tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đã lần lượt tung ra chương trình cho vay lãi suất thấp kể từ đầu tháng 9 tới nay. Chương trình này áp dụng cho khách hàng cá nhân vay để trả nợ những ngân hàng khác.

Trong đó, lãi suất hấp dẫn nhất đang được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Cụ thể, vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng có mức lãi suất tương ứng là 5,6%/năm và 7,5%/ năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay với mức lãi suất từ 6%/ năm dành cho khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/ năm đối với khoản vay trong trung dài hạn.

Trong khi, lãi suất ưu đãi áp dụng cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) linh hoạt từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8% /năm trong 24 tháng đầu...

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng còn thấp, các chính sách giảm lãi suất cũng như các chương trình hút khách hàng vay vốn đã được tung ra. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, giúp gia tăng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, kích cầu tín dụng vào dịp cuối năm.

Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng hiện hữu
Ảnh minh họa

Theo dự báo của Chuyên gia phân tích từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục sụt giảm mạnh hơn từ 100-150 điểm cơ bản (1 điểm tương ứng với 1/100 của 1%) trong những tháng tới. Qua đó, kích thích đầu tư và tiêu dùng từ doanh nghiệp và người dân, giúp cải thiện sự hồi phục của nền kinh tế.

Lãi suất cho vay tuy là có thể giảm, song các chuyên gia chỉ ra rằng thị trường thu hẹp và doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động sản xuất trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nên tăng trưởng tín dụng cũng khó có thể tăng trưởng bứt phá.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Tại Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra gần đây đã đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai việc giảm lãi suất khoản vay mới và cân nhắc cả những khoản cũ, lãi suất với nội tệ và ngoại tệ. Ngoài ra, duy trì cắt giảm phí, các thủ tục rườm rà và cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân, đồng thời chủ động linh hoạt hơn về hạn mức tín dụng, tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…

Phó Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh không chỉ kết nối, báo cáo chính quyền địa phương mà cũng cần theo dõi và đánh giá thực tế khó khăn tại địa phương. Đó là nơi đầu mối để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, giúp nắm được những khó khăn thực tế của doanh nghiệp hiện tại. Qua đó, cùng với các nhà băng địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là ở các lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, thị trường, cải thiện nguồn lực, minh bạch dòng tiền, tài chính và chủ động trao đổi khó khăn với ngân hàng để có những giải pháp đề xuất cộng sinh cùng giải quyết. Doanh nghiệp cần tìm hướng đi riêng cho mình.