Gần đây, hàng loạt các thương vụ thâu tóm các công ty tài chính giữa ngân hàng trong nước và doanh nghiệp nước ngoài diễn ra rất sôi động. Đặc biệt, trong số này còn có những công ty tài chính chiếm thị phần khá lớn tại Việt Nam nhưng các ngân hàng vẫn sẵn sàng rao bán.

Ví dụ như hồi tháng 10/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo hoàn tất việc bán lại 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF). Đây là một công ty con thuộc hệ sinh thái của tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group Nhật Bản.

Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD tương ứng với việc VPBank có thể “đút túi” gần 32.000 tỷ đồng. Thương vụ này đã trở nên nổi tiếng trên thị trường khi trở thành thương vụ bán vốn công ty tài chính có giá trị lớn nhất tại Việt Nam ở thời điểm đó..

Lúc đó, FE Credit đang được biết đến là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam khi chiếm khoảng 50% thị phần, cùng với mạng lưới 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tập đoàn SMBC là một trong những tập đoàn nổi tiếng tại Nhật Bản với tổng tài sản ước tính trên 2.100 tỷ USD tính đến hết năm 2020. Tập đoàn này hoạt động khá đa dạng trong lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư. Hiện nay, tập đoàn này đã đặt trụ sở tại 40 quốc gia trên thế giới.

Ngân hàng VP Bank cũng đưa ra nhận định việc thoái bớt một nửa vốn tại FE Credit sẽ tạo điều kiện củng cố năng lực tài chính của ngân hàng, cũng như tạo điều kiện mở rộng những hoạt động kinh doanh ở các phân khúc tiềm năng khác trên thị trường.

Nhà đầu tư ngoại thâu tóm loạt công ty tài chính Việt
Các nhà đầu tư ngoại đang hứng thú với công ty tài chính Việt Nam

Hồi tháng 5/2023, SHB cũng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri), đây là một thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Ông Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc SHB cho biết, thương vụ này sẽ mang đến nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB. Đồng thời, nguồn tiền này cũng sẽ trở thành động lực để tăng cường năng lực tài chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở phân khúc trọng tâm.

Một trường hợp nữa là ngân hàng MSB cũng đã công bố kế hoạch bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM cho đối tác ngoại. Cuối năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng trên có giá trị trên 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, Techcombank cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance) cho Công ty TNHH Lotte của Hàn Quốc.

Các công ty tài chính Việt đang trở thành “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư ngoại khi các thương vụ mua bán diễn ra khá sôi nổi. Các chuyên gia dự đoán trong tương lai Việt Nam sẽ là điểm đến mới thu hút nhiều “ông lớn” trong các lĩnh vực khác.