Tại tọa đàm "Sóng chứng khoán 2023" do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức sáng 19/8, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân nhận định tình hình giải chấp tại các CTCK sẽ không trầm trọng.

Theo ông Minh, tình trạng bán tháo xảy ra liên tục giữa năm 2022 có thể chia thành hai giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ tháng 4/2022 – tháng 8/2022, nhà đầu tư nhỏ lẻ là đối tượng bị bán tháo cổ phiếu, do liên tục bình quân giá nhưng giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Ở giai đoạn sau, nhà đầu tư lớn hay các cổ đông nội bộ dùng margin để “đỡ giá” cổ phiếu nhưng thị trường đi xuống tiếp tục là một phần nguyên nhân dẫn đến giải chấp ở quý IV/2022.

Ở thời điểm hiện tại, các công ty chứng khoán đã thận trọng hơn trong quản trị rủi ro. Dư nợ margin của nhóm cổ phiếu bất động sản trước đây từng chiếm 40% tổng margin nhưng nay không nhiều, mà tập trung ở ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp sản xuất.

“Hoạt động quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán đang rất chặt chẽ. Một trong các yếu tố mà các công ty chứng khoán xác định tỷ lệ cho vay là dựa trên tình hình cơ bản của doanh nghiệp. Do đó, sau khi kết quả kinh doanh quý II mà các doanh nghiệp công bố, có thể sẽ có những động thái để giảm tỷ lệ cho vay tại các nhóm ngành không hồi phục hay chưa tốt lại ngay như kỳ vọng”, ông Minh nhận định.

Nhận diện bong bóng margin và triển vọng thị trường cuối năm
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Yuanta

Một yếu tố khác nữa là bộ đệm vốn của các CTCK đã tốt hơn nhiều, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán cao hơn, kéo tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu hiện thấp hơn quý II/2022. Vì vậy, dư địa cho vay ký quỹ còn rất lớn ở thời điểm hiện tại.

Ông Minh phân tích thêm, với bối cảnh hiện nay, áp lực call margin tại các công ty chứng khoán sẽ không quá lớn. Tình trạng call margin và bán giải chấp sẽ không xảy ra kéo dài như năm 2022. Dù có thể xảy ra tại các kho, giá trị các khoản vay qua đây vẫn thấp hơn nhiều dư nợ cho vay margin qua các công ty chứng khoán.

Không loại trừ khả năng, động thái phản ứng sớm từ các kho là một trong các nguyên nhân khiến nguồn cung cổ phiếu tăng vọt. Các khoản cho vay ngoài công ty chứng khoán với tỷ lệ đòn bẩy lớn sẽ phản ứng rất nhanh. Nhất là với các trường hợp cho vay cổ phiếu bất động sản do các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp ngành này vẫn chưa phục hồi trong khi giá cổ phiếu đã tăng nóng.

Dự báo về kịch bản thị trường trong tuần này, ông Minh cho rằng chỉ số sẽ còn xuống tiếp ở đầu tuần nhưng sẽ lên ngay trong tuần. Hai ngưỡng cần quan tâm là mốc 1.160 điểm và ở kịch bản xấu hơn có thể là 1.125 điểm.

Động lực cho thị trường thời gian tới, theo các chuyên gia tại tọa đàm là cầu tiềm năng của thị trường. Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, còn nhiều nhà đầu tư quan sát và đứng ngoài chờ đợi. Cùng đó, các kênh đầu tư khác như tiền gửi, trái phiếu chưa cho thấy nhiều sự hấp dẫn để thu hút dòng tiền tham gia.

Dự báo cho 4 tháng cuối năm, ông Minh cho rằng VN-Index sẽ bước vào sóng tăng 5. Sóng tăng này có thể bước tới 1.415 điểm. Tuy nhiên, sẽ không còn việc mua đâu thắng đó mà chiến lược chọn cổ phiếu sẽ khó khăn hơn giai đoạn các tháng trước.

Cho cả năm 2023, bộ phận phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index dựa trên giả định lãi suất huy động ngân hàng kỳ hạn 12 tháng khoảng 6,5% và tăng trưởng EPS 2023 trên sàn HoSE tăng 3% so với 2022. Trong đó, kịch bản có xác suất lớn nhất (50%) là Vn-Index đạt 1.265 điểm, tương ứng P/E đạt 15 lần. Kịch bản tích cực có xác suất kỳ vọng 40% là P/E tăng lên 18 lần và Vn-Index đạt 1.518 điểm. Kịch bản tiêu cực xác suất 10% P/E 10x và VN-Index đạt 885 điểm.

Cũng tại tọa đàm, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup cho rằng, nhìn về bức tranh lợi nhuận toàn thị trường, biên EBIT đã cải thiện từ mức đáy quý 4 năm ngoái và đi lên trong hai quý gần đây. Riêng quý 2/2023, LNST toàn thị trường giảm -20,6% so với cùng kỳ, song đã hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước. Cụ thể, tổng LNST của khối Tài chính và Phi tài chính trong Q2/2023 đã tăng +31,8% so với Q4/2022 và +6,4% so với Q1/2023.

“Với nền so sánh nửa cuối năm 2022 ở mức thấp và tín hiệu hồi phục đang dần lộ diện, có thể nói rằng các doanh nghiệp đã qua giai đoạn khó khăn nhất”, bà Vân nhận định. Đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường sau đợt giảm mạnh, bà Vân cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, song cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu lãi "bằng lần" không còn nhiều như nửa đầu năm.

Khi định giá thị trường không còn rẻ, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn thận trọng hơn giai đoạn trước. Thị trường sẽ chọn lọc kỹ lưỡng hơn và những kỳ vọng sẽ cần có số liệu thực tế chứ không đơn thuần là tin tức.

Chuyên gia FiinGroup cho rằng nhà đầu tư cần xác định cho mình chiến lược đầu tư rõ ràng. Nếu đầu tư theo yếu tố kỳ vọng và tin tức thì nên có kỳ vọng ngắn hạn hơn là dài hạn.

Bên cạnh đó, đa số các ngành có chỉ số giá chạy rất xa so với thay đổi về yếu tố cơ bản. Do đó, nhà đầu tư xem xét giải ngân những nhóm ngành có kỳ vọng lợi nhuận phục hồi nhưng chưa tăng quá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường.

Ba chủ đề đầu tư được chuyên gia đưa ra tham khảo. Thứ nhất, kỳ vọng liên quan đến kỳ vọng tháo gỡ chính sách. Định giá của những nhóm nổi bật như chứng khoán, thép, bất động sản đã "chạy" rất xa so với sự cải thiện nền tảng cơ bản.

Thứ hai, kỳ vọng cầu nội địa cải thiện. Nhiều kỳ vọng cho rằng nhóm bán lẻ cuối năm sẽ tốt hơn, song chuyên gia cho rằng cần lưu ý triển vọng của nhóm này khi các doanh nghiệp bán lẻ đang giảm hàng tồn kho đáng kể, điều này cho thấy bản thân doanh nghiệp cũng chưa chắc chắn về sự hồi phục trong thời gian tới.

Thứ ba, kỳ vọng xuất khẩu hồi phục mang lại cơ hội đầu tư cho nửa năm nay. Với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ sẽ là cơ hội cho một số nhóm xuất khẩu như dệt may,.. kỳ vọng sẽ có sự cải thiện trong nửa cuối năm.