Kết quả kinh doanh quý 2/2023 đã được công bố với không nhiều bất ngờ khi có đến 19,8% số doanh nghiệp báo lỗ và 34,8% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước (dữ liệu tính đến hết tuần này). Trong các doanh nghiệp đã công bố KQKD Q2, tổng doanh thu tiếp tục giảm -3,9% và tổng LNST giảm -12,8% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể so với hai quý trước.

Đáng chú ý, tăng trưởng lợi nhuận được đóng góp rất lớn từ nhóm Ngân hàng và Vin Group, nếu không tính hai nhóm này, LNST giảm -32,7% so với cùng kỳ.

Nhận diện lực đỡ chứng khoán từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Hiệu quả hoạt động tiếp tục suy giảm ở hầu hết các ngành, ngoại trừ Dịch vụ Tài chính và Y tế. Chi phí lãi vay cao bên cạnh sức tiêu thụ yếu đã gây áp lực khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và tích cực giảm tỷ lệ đòn bẩy

Các nhóm ngành hàng hóa như Dầu khí, Hóa chất và Tài nguyên cơ bản là các nhóm giảm mạnh nhất. Ba nhóm ngành này vẫn trong giai đoạn khó khăn, với LNST giảm từ 60% - 80% từ mức nền cao của năm 2022. Đây cũng là các ngành tác động mạnh nhất tới lợi nhuận chung, trong đó BSR (-87% so với cùng kỳ), HPG (-64% svck), GAS (-38% svck), DPM (-92% svck), DGC (-53% svck) là các mã có mức giảm lợi nhuận hàng đầu.

Tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu vẫn yếu gây áp lực lên nhiều ngành như Hàng cá nhân và gia dụng (-52,4% svck), Thực phẩm & Đồ uống (-11,3% svck), Điện nước & xăng dầu khí đốt (-28,0% svck), Ô tô & phụ tùng (-52,2% svck), và đáng chú ý ngành Bán lẻ giảm mạnh (-92,1% svck) với mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong nhiều quý, cụ thể MWG (-98% svck), MSN (-65% svck), SAB (-32% svck).

Trong khi đó, một số ngành dịch vụ đã bắt đầu phục hồi từ đáy như Dịch vụ Tài chính, Xây dựng và Vật liệu, Du lịch và Giải trí.

Thông qua số liệu có thể thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong Q2/2023 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi hầu hết các nhóm ngành đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận diện lực đỡ chứng khoán từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Tuy nhiên, phân tích kỹ số liệu cũng cho thấy tín hiệu tạo đáy và dần đi lên. Mặt bằng lợi nhuận của một số doanh nghiệp đã có dấu hiệu tạo đáy. Tổng LNST quý này tăng nhẹ 2,5% so với Q1/2023 (sau khi tăng 31,6% trong Q1/2023). Điểm sáng về lợi nhuận chủ yếu được ghi nhận ở một số ngành dịch vụ như:

Ngành Dịch vụ tài chính phục hồi mạnh mẽ với mức tăng +388% svck và +85% so với Q1/2023, nhiều doanh nghiệp đã có lãi trở lại nhờ thị trường chứng khoán phục hồi khi VNIndex tăng 5,2% trong Q2/2023 và giá trị giao dịch trung bình của thị trường tăng 39% so với quý trước.

Ngành Bảo hiểm tăng mạnh +112% svck nhờ hưởng lợi từ cả mặt bằng lãi suất cao và sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Ngành Bất động sản tăng mạnh 54,6% svck chủ yếu nhờ đóng góp từ VHM (+12 lần từ mức nền thấp của 2022) và KBC (+331% svck) trong khi nhiều doanh nghiệp khác trong ngành vẫn tiếp tục giảm. Nếu không tính VHM, lợi nhuận ngành sẽ giảm -29,2% svck.

Ngành Xây dựng và vật liệu tuy vẫn giảm -29% svck nhưng đã phục hồi tích cực +159% so với quý trước với lợi nhuận cải thiện ở nhiều doanh nghiệp trong ngành như HBC, VGC, VCG, HT1.

Nhóm Du lịch và giải trí thu hẹp đáng kể mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái (-68%). Tuy vậy, lợi nhuận ngành chưa thực sự bứt phá do thu hút khách du lịch quốc tế vẫn còn khó khăn trong khi du lịch trong nước vẫn chịu ảnh hưởng của việc thắt chặt chi tiêu.

Ngành Ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng lợi nhuận tốt, cao hơn đáng kể mức trước dịch COVID-1 và chỉ giảm nhẹ -1,3% svck. Tăng trưởng mạnh nhất bao gồm STB (+139% svck), VCB (+25% svck), CTG (+12% svck), OCB (+75% svck), trong khi TCB, VPB, LPB, EIB, SSB, và TPB vẫn giảm. Sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, NIM co hẹp và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng đã hạn chế tăng trưởng chung của nhóm Ngân hàng trong quý vừa qua. Điểm tích cực là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và CASA đã tạo đáy trong Q1/2023 đối với hầu hết các ngân hàng.