Áp lực cạnh tranh gia tăng

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công thương, sự cạnh tranh đã tăng lên do quá trình hội nhập quốc tế. Việc ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp. Tuy vậy, một thách thức lớn đã xuất hiện.

Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, khiến sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước tăng lên. Khi đó, nông sản nội địa bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhất là về giá và chất lượng.

Sự hội nhập đã làm một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp thu hẹp lại. Các quốc gia đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao và trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu gạo như Myanmar, Campuchia; thủy sản như Indonesia, Ấn Độ.

Nhiều khó khăn “bủa vây” nông sản xuất khẩu Việt Nam
Nông sản nội địa bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của doanh nghiệp FDI

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, các sản phẩm nông lâm thủy sản cần được khai thác hợp lý, có các tiêu chuẩn về nguồn gốc do thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Trên thế giới, người tiêu dùng và các nước đang nỗ lực phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt gặp nguy cơ chịu mức thuế với sản phẩm có mức phát thải carbon lớn. Đó cũng là một trong những khó khăn với xuất khẩu nông sản Việt khi hệ thống quản lý, truy xuất nguồn chưa được thực hiện một cách bài bản.

Theo ông Hải, nông sản sẽ chịu nhiều rào cản và chính sách của các quốc gia với những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn, yêu cầu thực hiện cam kết về môi trường và xã hội…

Đáp ứng tiêu chuẩn cao bằng công nghệ

Theo nhiều chuyên gia, cần có các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ngành theo chuỗi, chế biến nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng, triển khai truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để cải thiện giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm xuất khẩu.

Đáng chú ý, giải pháp quan trọng như công nghệ sẽ giúp tăng giá trị và thị phần của nông sản Việt.

Theo TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất nhằm đảm bảo quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc nguồn gốc, môi trường.

TS Nguyễn Văn Hội nói: “Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam”.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Đức Nghiệm khuyến nghị cần đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến cũng như xây dựng và đưa các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển tốt hơn.

Hợp tác xã và doanh nghiệp nên đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp thông minh, và quản trị việc sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quy mô và chất lượng hàng hóa xuất khẩu.