Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận một tuần giao dịch tích cực (28 - 31/8). Tâm lý tích cực trở lại giúp lực cầu gia tăng đã tạo động lực cho chỉ số VN-Index không chỉ vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.200 điểm mà còn củng cố vững chắc trên mốc 1.220 điểm.

Cụ thể, chỉ số VN-Index nhanh chóng trở lại trên mức tâm lý 1.200 điểm ngay phiên đầu tuần và việc này đã giúp sắc xanh của thị trường được kéo dài xuyên suốt. Kết tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.224,05 điểm, tăng +40,68 điểm, tương đương +3,44% so với cuối tuần trước.

Thị trường chứng khoán: Lực cầu tốt, VN-Index hồi phục tích cực trước kỳ nghỉ lễ

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm tích cực. Đóng cửa phiên cuối tuần, HNX-Index đạt 249,75 điểm, tăng +6,85 điểm, tương đương +2,8% so với cuối tuần trước; UPCoM-Index đạt 93,32 điểm, tăng +2,31 điểm, tương đương +2,5% so với tuần trước.

Thị trường chứng khoán: Lực cầu tốt, VN-Index hồi phục tích cực trước kỳ nghỉ lễ

Diễn biến dòng tiền tại các ngành hầu hết ghi nhận sự phục hồi trong tuần qua bất chấp đây là tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài. Theo đó, nhóm cổ phiếu cảng biển, logistic có diễn biến nổi bật nhất thị trường khi nhiều mã vượt vùng đỉnh giá lịch sử, tăng giá mạnh với thanh khoản đột biến như GMD (+6,81%), DVP (+4,87%); HAH (+6,77%), VOS(+4,82%), VSC (3,36%)...

Các cổ phiếu đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến vượt trội khi nhiều mã vượt vùng giá đỉnh cũ, thanh khoản gia tăng mạnh sau thông tin ngày 31/8/2023, công trình nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dựng với DHA (+6,07%), VCG (+5,28%), LCG (+3,94%), KSB (+3,37%), BCC (+3,36%)...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính duy trì xu hướng tăng giá vượt trội so với thị trường chung khi nhiều mã đã vượt và hướng đến vùng giá tháng 03/2022 nổi bật như VIX (+1,80%), VCI (+0,43%), FTS (+6,35%), BSI (+3,48%), PSI (+2,20%), CTS (+1,95%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ với WSS (-1,25%), SSI (-0,30%)..

Các cổ phiếu ngân hàng giao dịch tiếp tục tích cực với thanh khoản cải thiện mạnh vượt mức trung bình, trở lại dẫn dắt thị trường, VN-Index vượt vùng giá cao nhất năm 2018 như HDB (+3,06%), EIB (+2,77%), VIB (+1,75%), SHB (+1,63%), BID (+1,62%)....

Khác với một số lo ngại, tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn giúp thanh khoản toàn thị trường vẫn tăng bất chấp kề cận là kỳ nghỉ lễ. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 23.300,52 tỷ đồng, tăng 2,07% so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình của thị trường.

Khối ngoại cũng có một tuần giao dịch khởi sắc hơn khi có tuần mua ròng trên toàn thị trường. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên HOSE với giá trị 455,20 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều ở nhóm thép, cảng biển, bán lẻ. Trên HNX, khối này cũng mua ròng với giá trị 55,27 tỷ đồng.

Có thể thấy, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một tuần trước kỳ nghỉ lễ khá bất ngờ. Kịch bản điều chỉnh nhẹ hoặc giằng co với thanh khoản thấp đã không xuất hiện, mà thay vào đó là một tuần tăng mạnh điểm số và tích cực về thanh khoản. Dòng tiền dù không quá lớn nhưng cho thấy sự chủ động của bên mua và đó là động thái tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Với quán tính này, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiến tới vùng đỉnh mới, với điều kiện là thanh khoản được duy trì ở mức tích cực.

Nhìn lại lịch sử của chỉ số VN-Index sau dịp lễ Quốc Khánh 2-9 trong 5 năm gần nhất, xét 1 phiên trước lễ và các phiên liền kề sau lễ:

2018: Trước lễ giảm, sau lễ giảm tiếp 40 điểm.

2019: Trước lễ tăng, sau lễ giảm 18 điểm.

2020: Trước lễ tăng, sau lễ giảm 25 điểm.

2021: Trước lễ tăng, sau lễ giảm 25 điểm.

2022: Trước lễ tăng, sau lễ gặp pha giảm 45 điểm.

Đánh giá một cách tổng quan, dựa trên thống kê có thể thấy rằng sau lễ 2-9 VN-Index thường có xu hướng điều chỉnh rồi tăng tiếp. Riêng năm 2022, sau lễ thị trường điều chỉnh cân bằng rồi giảm tiếp do năm này đang rơi vào Downtrend.

Với những diễn biến của VN-Index, trong giữa tuần sau kỳ nghỉ, VN-Index có thể xuất hiện những phiên điều chỉnh ngắn với vùng hỗ trợ quanh 1.207 điểm (Fibonacci 0.5, EMA10 và 20 ngày). Xét về xu hướng trung dài hạn, VN-Index vẫn tích cực và chưa để mất xu hướng tăng ngắn hạn khi chỉ số đang nằm trên tất cả các đường trung bình động (EMA).

Nhóm cổ phiếu mà các nhà đầu tư có thể quan tâm gồm: Bất động sản, Chứng khoán, Thép và Ngân hàng. Trong đó, Bất động sản và Chứng khoán là nhóm đồng hành theo xu hướng thị trường, còn Thép và Ngân hàng là nhóm điểm tựa hỗ trợ cho thị trường.

Nhịp đập chứng khoán: Thị trường sẽ điều chỉnh sau kỳ nghỉ 2/9?
Nhịp đập chứng khoán: Thị trường sẽ điều chỉnh sau kỳ nghỉ 2/9?

Nhìn một cách tổng thể, thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng từ kinh tế vĩ mô đến sức khỏe doanh nghiệp đang dần phục hồi. Nói như vậy không có nghĩa là thách thức không còn, nhưng tương quan thì các yếu tố tích cực đang có phần thắng thế. Vì thế, các nhịp điều chỉnh về mặt kỹ thuật luôn là yếu tố cần thiết để thị trường tích lũy trong xu thế đi lên.

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng trưởng sau hồi phục tiếp diễn và khả năng VN-Index tiếp cận vùng đỉnh cũ 1.246 điểm không còn xa. Trên đồ thị, các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục thể hiện sức mạnh xu hướng, cho góc nhìn VN-Index trong quá trình vận động tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, với ngưỡng tranh chấp tại vùng 1.225 - 1.230 điểm, chỉ số VN-Index cần thời gian tích lũy để vượt qua ngưỡng cản này.