Trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng vẫn là một trong những bài toán của ngành ngân hàng khi con số này ghi nhận mức thấp trong nhiều năm qua.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng tính đến hết tháng 8 mới chỉ tăng 5,33% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức 9,9% của cùng kỳ và còn cách khá xa so với mục tiêu 14% cho cả năm. Tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến ngày 15/9 mới chỉ đạt 5,56%.

Nhóm ngân hàng nào sẽ có dư địa đẩy tín dụng cao hơn vào cuối năm?
Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 từ năm 2016 đến tháng 8/2023

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn ở phần còn lại của năm 2023 nhờ sản xuất và xuất khẩu bắt đầu hồi phục từ tháng 7 và 8 cũng như hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm làm kích cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.

Thế nhưng, nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế thực tế vẫn chưa hồi phục trong năm nay. MBS cho biết đã điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng của năm 2023 cho đa số ngân hàng so với báo cáo trước.

Chuyên gia của MBS cho biết các ngân hàng đều đang khá thận trọng khi xem xét việc cho vay và đảm bảo về chất lượng của tín dụng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa thật sự khởi sắc.

Bởi vậy, các ngân hàng có dư địa đẩy tín dụng cao hơn vào phần còn lại của năm là nhóm có chất lượng tài sản ít suy giảm hơn trong nửa đầu năm.

Nhóm ngân hàng nào sẽ có dư địa đẩy tín dụng cao hơn vào cuối năm?
Dự báo về tăng trưởng tín dụng 2023 của một số ngân hàng thương mại

Ngoài ra, căn cứ vào Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9, các nhà băng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác. Điều đó sẽ thúc đẩy cạnh tranh lãi suất, rồi thúc đẩy đến tín dụng. Bởi vậy, các ngân hàng có chi phí vốn tốt hơn sẽ có thể thu hút khách hàng mạnh tay hơn.

Tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng trong nửa đầu năm đã diễn ra sự phân hóa khá mạnh. Các ngân hàng đã có tỷ lệ cho vay cao vào quý II với ngành bất động sản như Techcombank, HDBank ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý I, trong bối cảnh bất động sản vẫn gặp khó.

Nhóm ngân hàng nào sẽ có dư địa đẩy tín dụng cao hơn vào cuối năm?
Diễn biến tăng giảm chi phí vốn trong 6 tháng năm 2023

Mặt khác, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như ACB: tăng 5,51%; VIB: tăng 2,19%. Điều này chỉ ra tín hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.

MB và VPBank (khoảng 24%) là 2 ngân hàng được cấp zoom tín dụng cũng chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý II. VPBank tăng 5% và MB tăng 6,49% so với quý trước.

VNDirect cho biết các ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB sẽ có dư địa để đẩy tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm khi Việt Nam đang dần hồi phục. Mặt khác, nhóm ngân hàng có tỉ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khi mở tín dụng bởi khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị giới hạn theo Thông tư 06 có hiệu lực từ tháng 9.