Trong quý III/2023, tăng trưởng lợi nhuận giảm trên diện rộng xuất hiện tại hầu hết các ngân hàng. Trong đó, tăng trưởng thu nhập của ngành (được tính trên 27 ngân hàng niêm yết) đều đi ngang. Nhóm quốc doanh ghi nhận kết quả tích cực nhất với mức tăng trung bình là 8% YoY nhờ tăng trưởng của VCB và CTG, khi 2 ngân hàng này kiểm soát được chi phí dự phòng rủi ro. Trong khi các ngân hàng nhóm 1 cho thấy sự sụt giảm mạnh về NIM, còn các ngân hàng nhóm 2 phải đối mặt với áp lực trích lập ở mức cao.

Nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn đang tăng lên mức 2,24% (+16 bps so với quý trước). Nhưng cũng có sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng, cụ thể là nhóm quốc doanh có dấu hiệu giảm dần lượng nợ xấu hình thành, còn các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn ghi nhận sự suy giảm chất lượng tài sản trong bối cảnh nhóm khách hàng trung bình và thấp ảnh hưởng nặng nề vì sự chậm lại của kinh tế.

Nhóm ngân hàng nhiều điểm sáng, 5 mã cổ phiếu được khuyến nghị mua
Có sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng quốc doanh và thương mại cổ phần

Tổng dư nợ (gốc, lãi) được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã tăng từ mức 96 nghìn tỷ vào cuối tháng 7, lên mức 158,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,24% tỷ trọng tín dụng) vào ngày 31/10.

VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng có thể đạt 11% trên quy mô toàn ngành cho năm nay và cải thiện đáng kể vào năm 2024.

Theo đơn vị này, tín dụng liên quan tới bất động sản trở thành động lực chính của tổng tăng trưởng tín dụng trong vòng nhiều năm. Do đó các dự án sắp chào bán vào cuối năm 2023 và lãi suất giảm mạnh có thể vẫn là động lực hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tín dụng yếu hiện đã trở lại. Tín dụng liên quan tới BĐS nhà ở tăng trưởng âm là 1,18% trong quý III, so với mức tăng trưởng 31% vào cuối năm ngoái.

VDSC cũng kỳ vọng NIM sẽ phát triển khả quan hơn, được hỗ trợ bởi những tín hiệu như cắt giảm lãi suất và việc lãi suất tiền gửi niêm yết toàn ngành được giảm từ tháng 3, về mức thấp hơn sau dịch Covid - 19. Kỳ vọng động thái này giúp giảm áp lực lên chi phí huy động khi những khoản tiền huy động ở mức cao vào quý IV/2022 đáo hạn, tạo tiền đề thuận lợi giúp NIM cân bằng cũng như hoàn tất quá trình tạo đáy. Dù vậy, khả năng NIM phục hồi phải xét trên nhiều yếu tố.

Lãi suất huy động hiện đang có mức khá hấp dẫn, chủ yếu là do nhu cầu vốn trong nền kinh tế còn yếu khiến các ngân hàng giảm áp lực trong huy động - tránh được sự cạnh tranh huy động bằng lãi suất - thường thấy trong các giai đoạn nền kinh tế sôi động ở những năm trước. Ngoài ra, Thông tư 26 về việc cho phép tính tiền gửi của kho bạc Nhà nước vào tỷ lệ LDR, sẽ hỗ trợ ít hơn kể từ đầu năm 2024, tác động khiến áp lực chi phí huy động tăng lan tỏa dần trong hệ thống. Hoặc có thể hiểu là lãi suất huy động sẽ nhích dần lên trong năm sau, cùng với tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế.

Đối với bên cho vay, nhu cầu tín dụng sẽ được cải thiện tương ứng theo đà phục hồi của kinh tế vĩ mô, đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại duy trì mức chênh hợp lý giữa lợi suất tài sản sinh lãi và chi phí huy động.

Như vậy, khả năng cải thiện NIM còn phải phụ thuộc vào khả năng kiểm soát nợ xấu và cơ cấu kỳ hạn, lĩnh vực cho vay của mỗi ngân hàng. Kỳ vọng NIM sẽ ổn định trong nửa đầu năm 2024 và nhích nhẹ vào nửa cuối năm khi các khoản nợ cho vay với lãi suất ưu đãi dần chuyển sang lãi suất thả nổi thực tế.

Nhóm ngân hàng nhiều điểm sáng, 5 mã cổ phiếu được khuyến nghị mua
P/B 10 năm và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu

Các hoạt động ngoài lãi gồm thu nhập phí cụ thể là hoạt động banca, thanh toán có thể phục hồi lại khi có sự phục hồi của nhu cầu tín dụng. Hoạt động thu hồi nợ và thanh lý tài sản được kỳ vọng trở nên sôi động hơn càng về cuối năm 2024 vì yếu tố mùa vụ và thị trường BĐS sôi động hơn. Từ hai cấu phần này, kỳ vọng sẽ phục hồi theo quý nhằm bù vào hiệu ứng không còn quá mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán như trong quý III/2023.

Khi thành công tháo gỡ một số nút thắt liên quan tới bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp để bảo vệ hệ thống ngân hàng, thì giá cổ phiếu ngành này đã bật tăng trở lại mức bình quân 10 năm.

Song, kết quả kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng sụt giảm đã làm giá cổ phiếu ngành này quay về mức thấp hơn 1 độ lệch chuẩn. Vì vậy, dù khó khăn vẫn còn đó nhưng VDSC nhận định đây là mức giao dịch hấp dẫn đối với những nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng đảm bảo chất lượng tài sản tốt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, sau đó đón đầu làn sóng phục hồi.

Dưới đây là 5 mã cổ phiếu ngân hàng mà các nhà đầu tư nên tham khảo.

1. Khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu 26.900 đồng/cp, kỳ vọng tăng 45%

Công ty Chứng khoán VPBankS cho rằng, cổ phiếu VPB đang có nhiều lợi thế để lấy room tăng trưởng tín dụng cao. Trong 3 năm từ 2021 đến 2023, ngân hàng này thực hiện hai thương vụ chuyển nhượng vốn có quy mô lớn nhất thị trường tài chính Việt Nam, giúp VPB thu về khoảng 3 tỷ USD, đưa mức CAR của nhà băng theo BASEL II có thể đạt trên 18% trong năm 2023, là ngân hàng có mức CAR cao nhất toàn ngành, cũng là ngân hàng có vốn chủ sở hữu dẫn đầu hệ thống.

Theo đó, Chứng khoán VPBankS khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu là 26.900 đồng/cp, mức kỳ vọng sinh lời là 45%.

Nhóm ngân hàng nhiều điểm sáng, 5 mã cổ phiếu được khuyến nghị mua
Các công ty chứng khoán khuyến nghị 5 mã cổ phiếu ngành ngân hàng

2. Khuyến nghị mua ACB với giá mục tiêu 26.120 đồng/cp, kỳ vọng tăng 12%

Tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản của ACB tương đối thấp ở mức 1,5% dư nợ, không có trái phiếu doanh nghiệp trong bảng cân đối kế toán, nhằm hạn chế rủi ro đến từ ngành bất động sản. Chứng khoán VPBankS kỳ vọng tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng ACB sẽ diễn ra bền bỉ và ổn định trong môi trường có nhiều biến động tiêu cực tới kinh tế như hiện tại.

Chứng khoán VPBankS khuyến nghị nên mua cổ phiếu ACB với giá mục tiêu là 26.120 đồng/cp, mức kỳ vọng sinh lời là 12%.

3. Khuyến nghị mua CTG với giá mục tiêu 40.900 đồng/cp, kỳ vọng tăng 52%

KBSV kỳ vọng, sang năm 2024, NIM của VietinBank sẽ được cải thiện và đạt 3,0% dựa trên: Các khoản huy động khách hàng lãi suất cao từ quý IV/2022 đến quý I/2023 kỳ hạn 6 tháng - 1 năm đáo hạn; Thanh khoản dồi dào sẽ duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, Casa được cải thiện.

Như vậy, KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu cho năm 2024 là 40.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 52,1% so với giá tại ngày 25/12/2023.

4. Khuyến nghị khả quan đối với VIB, kỳ vọng tăng 36%

Chứng khoán VNDirect dự kiến NIM của VIB năm 2024 ở mức 4,7 - 4,9%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của ngành ngân hàng là 3,3% trong quý III, nhờ chi phí vốn thấp từ: tiền gửi với lãi suất cao đáo hạn; Mỹ hạ lãi suất và chênh lệch lợi suất tài sản và chi phí vốn tăng nhờ nhu cầu cho vay bán lẻ phục hồi (chiếm 90% dư nợ tín dụng).

Như vậy, VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VIB, tiềm năng tăng giá là 36%.

5. Khuyến nghị mua với cổ phiếu STB, kỳ vọng tăng 42%

KBSV kỳcho biết, NIM của Sacombank trong quý III/2023 là 3,7%, giảm 28bps so với quý trước, đây là quý thứ 2 liên tiếp NIM giảm do ảnh hưởng của chi phí vốn cao, chất lượng tài sản đi xuống làm ảnh hưởng tới thu nhập lãi của ngân hàng (giảm 6,97% so với quý trước).

Theo KBSV, xu hướng giảm NIM chỉ mang tính chất tạm thời, sang năm mới sẽ phục hồi nhờ việc kiểm soát chi phí vốn tốt hơn. Vì vậy, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB với giá mục tiêu là 38.900 đồng/cổ phiếu trong năm 2024, cao hơn 42% so với giá tại ngày 25/12/2023.