Một số “tia sáng” bắt đầu xuất hiện giữa “bầu trời” ảm đạm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều cảm xúc. Bên cạnh xu hướng tăng giá, thanh khoản thị trường cũng là điểm sáng khi bật tăng lên mức trung bình là 18.000 tỷ đồng/phiên, vượt trội so với giá trị giao dịch của 20 ngày trước đó.

Việc thị trường ghi nhận một nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 10 đã giúp định giá của VN-Index về vùng tương đối thấp trong lịch sử với P/E cơ bản ở mức 12,39 lần.

Theo đó, tâm lý của giới đầu tư cũng trở nên tích cực hơn khi nỗi e ngại về tỷ giá và quá trình đánh giá lại cổ phiếu trên kết quả kinh doanh quý III đã hoàn tất.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nhịp tăng của VN-Index vừa qua chủ yếu là do lực cầu bắt đáy ngắn hạn tăng mạnh, khi giá thị trường được nhận định đã thấp dưới định giá và tâm lý đầu tư đã tích cực hơn, chứ chưa có một nền tảng đủ vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa cải thiện nhiều. Ngoài ra, mặt bằng định gái của nhiều nhóm cổ phiếu hiện nay vẫn đang neo ở mức cao trong vòng 3 năm trở lại đây. Do đó, trong giai đoạn tới, chỉ số có thể đi ngang.

Những
Tâm lý của giới đầu tư trở nên tích cực hơn khi nỗi e ngại về tỷ giá và quá trình đánh giá lại cổ phiếu trên kết quả kinh doanh quý III đã hoàn tất

Nhận định về thị trường chứng khoán hiện nay, Chứng khoán KBSV cho rằng, với xu hướng giảm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo, chỉ số sẽ tiếp tục lùi về các vùng hỗ trợ sâu hơn và tích lũy trở lại trước khi có cơ hội bước vào một nhịp tăng điểm trong trung hạn. Tương tự, Chứng khoán DSC cũng dự báo thị trường sẽ tích lũy trong biên giao dịch “sideway” trung hạn 1.000 - 1.160 điểm.

Tuy nhiên, một số “tia sáng” đã bắt đầu xuất hiện giữa “bầu trời” ảm đạm, mang đến kỳ vọng về xu hướng tăng của VN-Index sẽ nhanh chóng trở lại. Đó là việc giảm bán trong thời gian thị trường rơi mạnh. Dấu hiệu này cho thấy VN-Index có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ khi các yếu tố gây ra đợt bán tháo đã giảm bớt.

Còn theo VinaCapital, tăng trưởng lợi nhuận EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) có thể sẽ phục hồi khoảng 35% so với cùng kỳ quý IV/2023 và tăng 20% vào năm sau khi tăng trưởng GDP đang tích cực hơn cùng với hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc vào cuối năm.

Bên cạnh đó, thị trường cuối tháng 11 sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản. Nếu những dự luật sửa đổi này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tín dụng đối với Bất động sản và phát triển nhà ở xã hội nhằm triển khai Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản, trao đổi, thống nhất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản cũng như khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng bất động sản,... từ đó góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và Chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect cho rằng: “Trong bối cảnh tin xấu đi qua, những thông tin tích cực được kỳ vọng tạo "cú hích" cho thị trường chứng khoán sắp tới. Kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn tiếp tục chảy vào cổ phiếu, củng cố cho đà phục hồi của VN-Index”.

Những
Những thông tin tích cực được kỳ vọng tạo "cú hích" cho thị trường chứng khoán sắp tới

Một số mã cổ phiếu có tiềm năng đầu tư trong tháng 11

Với tỷ suất sinh lời tương đương 8,07%/năm, chứng khoán vẫn được đánh giá là tương đối hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh gửi tiết kiệm với lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng hiện chỉ ở mức 5,33%/năm.

Do đó, chứng khoán DSC duy trì tỷ trọng cổ phiếu danh mục ở mức 65% và chỉ gia tăng thêm tại các nhịp rung lắc. Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng và chủ động trading cơ hội ngắn hạn. Còn với dòng tiền dài hạn có thể tham gia giải ngân với cổ phiếu định giá cơ bản rẻ.

Các chuyên gia đến từ DSC khuyến nghị, trong kịch bản thị trường điều chỉnh tạo đáy 2, nhà đầu tư có thể giải ngân toàn bộ tài khoản để tham gia vào các nhóm ngành như Chứng khoán, Thép. Bởi các nhóm ngành này đang ghi nhận tín hiệu dòng tiền sớm, kỳ vọng trở thành nhóm dẫn dắt trong trường hợp thị trường bùng nổ theo đà.

Nhận định về nhóm ngành cổ phiếu có triển vọng lạc quan trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xét theo lợi nhuận dự phóng 4 quý trong năm nay của các doanh nghiệp niêm yết, xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I và kỳ vọng đến quý IV sẽ tăng trưởng trở lại. Hầu hết các ngành nghệ dự kiến đều có mức tăng trưởng tốt hơn trong quý cuối năm 2023 và năm 2024. Những ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan có thể kể đến như: Thép, nguyên vật liệu bao gồm thép, bất động sản (chọn lọc doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh,...) ngân hàng, dịch vụ phần mềm, hàng tiêu dùng, năng lượng, dược,...

Riêng trong tháng 11, các công ty chứng khoán dự báo một số mã cổ phiếu có tiềm năng tăng mạnh từ 30 - 61%, cụ thể:

Chứng khoán SSi khuyến nghị các mã cổ phiếu tiềm năng trong tháng 11 dựa trên xu hướng thị trường, tình hình kinh doanh, chính sách, thông tin kinh tế vĩ mô,... trong đó 6 mã được kỳ vọng mang lại lợi nhuận trên 30% đó là: CTG (Vietinbank) tăng 30%, giá mục tiêu 36.000 đồng/cp; ACB (Ngân hàng ACB) tăng 41%, giá mục tiêu 30.100 đồng/cp; NT2 (Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) tăng 42%, giá mục tiêu 32.200 đồng/cp; HSG (Tập đoàn Hoa Sen) tăng 45%, giá mục tiêu 24.700 đồng/cp; SSI (Chứng khoán SSI) tăng 48%, giá mực tiêu 38.000 đồng/cp; HHV (Đầu tư Hạ Tầng Giao thông Đèo Cả) tăng 61%, giá mục tiêu 20.400 đồng/cp.

Trong khi đó, KBSV đưa ra danh mục khuyến nghị tháng 11 với 11 cổ phiếu bao gồm: SSI, PNJ (VBĐQ Phú Nhuận), HHV, ACB, NT2, HSG, CTG, FPT (CTCP FPT), KBC (Phát triển đô thị Kinh Bắc) và VNM (Vinamilk).

Những
Một số mã cổ phiếu có tiềm năng tăng mạnh từ 30-61%

Về diễn biến của thị trường chứng khoán, chuyên gia Lê Ngọc Hưng đến từ Chứng khoán MBS cho rằng, dù lực chốt lời diễn ra khá mạnh trong phiên cuối tuần trước, song lực cầu bắt đáy khi định giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn cũng xuất hiện. Điều này cho thấy thanh khoản thị trường đã qua giai đoạn bi quan và dòng tiền đang gia tăng gom mua các cổ phiếu có tiềm năng hấp dẫn trong quý 4/2023.

Vị chuyên gia nhận định, phiên điều chỉnh chỉ mang tính chất kỹ thuật sau khi thị trường đã đi lên khá mạnh theo xu hướng hình chữ V trong thời gian gần đây. Vùng hỗ trợ cần quan sát trong thời gian tới là ngưỡng 1.060 điểm +/-5 điểm và dòng tiền bắt đáy gia tăng mạnh khi VN-Index chạm đến quanh vùng này. Do đó, đây có thể là đáy trung và dài hạn của thị trường trong thời gian tới.

Về tín hiệu cân bằng của chỉ số, chuyên gia MBS cho rằng 2 phiên đầu tuần sẽ mang tính chất quyết định xu hướng tiếp theo của chỉ số. Nếu lượng hàng mua trong tuần trước về tài khoản mà không có động thái chốt lời quá mạnh, VN-Index có thể sẽ tìm được vùng cân bằng mới quanh 1.100 - 1.120 điểm và thu hút dòng tiền trở lại mạnh hơn. Đây cũng là một tín hiệu quan trọng giúp nhà đầu tư nhận diện vùng giải ngân mới.

Nếu vượt qua vùng trên, chỉ số chính có thể gặp ngưỡng cản kỹ thuật tại vùng giá 1.12x điểm, đây là vùng kháng vực tạo bởi kênh giá giảm. Dù vậy, ông Hưng cho rằng xu hướng phục hồi trong ngắn hạn sẽ tiếp tục diễn ra, vùng kháng cự mạnh cần lưu ý là 1.140 - 1.145 điểm - tương ứng với vùng MA50 ngày.

Với những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ 50 - 70% tài khoản và cân nhắc chốt lời khi VN-Index tiến lên vùng kháng cự trên. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý những nhà đầu tư đang cầm tiền cần thận trọng thăm dò với tỷ trọng nhỏ.