NVL tăng trần, động lực nào thúc đẩy đằng sau?
Nguồn: Internet

Cụ thể, cổ phiếu NVL kết phiên với tình trạng trắng bên bán, cổ phiếu ghi nhận tăng 6.93% lên mức 16,200 đồng/cổ phiếu. Đây là tín hiệu được rất nhiều nhà đầu tư mong đợi sau một thời gian dài chờ đợi. Trước đó, cổ phiếu NVL đã đi bước vào sideway một thời gian tương đối dài từ cuối năm 2022 sau cú rơi từ tháng 9 năm trước.

Tuy nhiên, liệu sự bứt phá đến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay chỉ từ cung cầu của thị trường thì chúng ta cần nhìn qua về báo cáo tài chính quý 1 của NVL.

Về kết quả kinh doanh quý 1, NVL đang cho thấy kết quả kinh doanh tụt dốc không phanh khi doanh thu thuần ghi nhận sụt giảm 69.2% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 604.1 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản sụt giảm 70.6%, xuống mức 452.8 tỷ đồng; doanh thu khác ghi nhận giảm 64.3%, xuống mức 151.2 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng theo đó giảm xuống mức 455.1 tỷ đồng. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của NVL trong 3 tháng đầu năm chỉ còn 148.9 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng nhẹ lên mức 920 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá và hợp đồng hợp tác đầu tư. Chi phí tài chính được NVL cắt giảm so với cùng kỳ, xuống mức 823 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm xuống mức 37.3 tỷ đồng và 303.5 tỷ đồng.

Kết quả, mặc dù đã nỗ lực cắt giảm chi phí nhưng với cơ cấu chi phí còn tương đối lớn và doanh thu trong kỳ giảm mạnh, NVL ghi nhận lỗ ròng 410.2 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm.

Tổng tài sản của NVL ghi nhận giảm nhẹ xuống mức 256,194.2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 197,806.1 tỷ đồng và chiếm 77.2% tổng tài sản. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả đạt 211,786.7 tỷ đồng (chiếm 82.6% tổng nguồn vốn). Trong đó, nợ ngắn hạn đạt 78,867.7 tỷ đồng, chiếm 37.2% tổng nợ, còn lại là nợ dài hạn. Với một cơ cấu vốn sử dụng đòn bẩy lớn, áp lực trả lãi là tương đối nặng nề khiến kết quả kinh doanh của công ty ảnh hưởng không nhỏ.

Anh Anh