Thị trường chứng khoán khép lại một tuần giao dịch nhiều sóng gió bằng phiên giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức giảm của VN-Index cũng đã thu hẹp đáng kể so với mức thấp nhất. Song, một số nhóm ngành vẫn đang chịu áp lực bán rất mạnh, bao gồm các cổ phiếu chứng khoán. Hầu hết những cổ phiếu trong nhóm này đều giảm hết biên độ hoặc sát sàn, thậm chí còn “trắng cả bên mua”.

Sau 2 phiên liên tiếp giảm mạnh, thị giá của các cổ phiếu như SSI, VND, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS,… đều đã giảm từ 10 đến 13%. Nhóm chứng khoán ‘quay đầu’ chóng vánh khi hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian dài. Thậm chí, nhiều cái tên còn quay trở về vùng giá cao nhất trong vài chục tháng qua và chạm sát đỉnh lịch sử.

Quay đầu giảm sâu sau nhịp tăng kéo dài, nhóm cổ phiếu chứng khoán còn hấp dẫn?
Sau 2 phiên liên tiếp giảm mạnh, thị giá của các cổ phiếu như SSI, VND, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS,… đều đã giảm từ 10 đến 13%

Dù chỉ điều chỉnh sâu trong 2 phiên vừa qua, đa phần những nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn có mức tăng từ hàng chục % cho đến bằng lần so với hồi đầu năm. Vì thế, áp lực chốt lời mạnh là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung cũng đang biến động không thuận lợi. Chưa kể, đà tăng mạnh mẽ trước đó khiến định giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn thực sự hấp dẫn.

Thời điểm hiện tại, P/B của ngành đang ở mức 1,7 lần, tương đương với mức trung bình trong 3 năm qua. Nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như SSI, VND, HCM, VCI,… đều ghi nhận mức P/B trên 2 lần - cao hơn nhiều so với đầu năm. Định giá cao khiến dòng tiền bắt đáy trở nên dè dặt hơn trong các nhịp điều chỉnh.

Quay đầu giảm sâu sau nhịp tăng kéo dài, nhóm cổ phiếu chứng khoán còn hấp dẫn?
Thời điểm hiện tại, P/B của ngành đang ở mức 1,7 lần, tương đương với mức trung bình trong 3 năm qua

Việc giảm sâu trong 2 phiên liên tiếp sau khi tăng dài hơi chưa phải là “tin xấu” với nhóm chứng khoán. Thế nhưng, những động lực thúc đầy các cổ phiếu chứng khoán tăng lên trong thời gian qua đang có dấu hiệu phai nhạt.

Động lực từ tiền rẻ có dấu hiệu chững lại kể từ đầu tháng 9/2023

Dễ dàng thấy được, nhóm cổ phiếu chứng khoán trong thời gian gần đây đã được hưởng lợi mạnh mẽ từ sự hồi phục ngoạn mục về thanh khoản của thị trường. Trong giai đoạn tháng 3 tháng 4, thanh khoản chạm mức đáy dưới 10.000 tỷ/phiên, song đến tháng 8 vừa qua, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đã tăng mạnh liên tục lên hơn 20.000 tỷ/phiên.

Điều đáng nói, kể từ đầu tháng 9/2023, xu hướng này đang có dấu hiệu chững lại. Những phiên giao dịch thanh khoản cao cũng thưa dần, dòng tiền mạnh thường chỉ xuất hiện vào những thời điểm thị trường giảm sâu, tò ra dè dặt ở những vùng giá cao. Vì thế, thị trường chứng khoán bị rơi vào trạng thái “sideway down”; đồng thời nhóm chứng khoán với đặc thù có độ nhạy cao cũng gặp khó.

Trong thời gian qua, thanh khoản đã đóng góp không nhỏ là từ lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Ước tính, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 190.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 8/2023, cao nhất trong vòng 13 tháng qua. Động thái này một phần là từ xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo cập nhật, lãi suất tiết kiệm gần đây đã giảm xuống mức thấp, điều này khiến cho một phần tiền nhàn rỗi đã chuyển từ kênh tiền gửi sang chứng khoán.

Quay đầu giảm sâu sau nhịp tăng kéo dài, nhóm cổ phiếu chứng khoán còn hấp dẫn?
Ước tính, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 190.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 8/2023, cao nhất trong vòng 13 tháng qua

Ngoài ra, lãi suất cho vay giảm chậm nhưng vẫn góp phần giảm bớt gánh nặng lãi vay của các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra dư địa để các công ty chứng khoán giảm lãi suất margin và kích thích nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy.

Điều đáng nói, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ có thể không lớn; nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ cân bằng hơn. Trong 2 phiên giao dịch 21/9 và 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng bằng kênh tín phiếu. Việc Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau khi tạm ngưng hơn 6 tháng giúp giảm bớt dư thừa thanh khoản hệ thống, có thể sẽ làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, tác động tích cực đến tỷ giá.

Tín hiệu mừng từ hệ thống KRX?

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang nhận về nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, đáng chú ý là tiến độ triển khai dự án công nghệ thông tin KRX. Trong cuộc họp chiều 21/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chia sẻ, dự án sẽ chuẩn bị “go-live” ngày 11/12/2023, chính thức vận hành vào cuối năm nay.

Một khi đi vào hoạt động, hệ thống này được kỳ vọng sẽ mang đến những sản phẩm và giải pháp giao dịch, thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)... Những yếu tố này trở thành nền móng để tiến tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút các nhà đầu tư chứng khoán cả trong và ngoài nước.

Theo VNDirect, hệ thống KRX có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực thanh khoản, giảm thời gian thanh toán từ T+2,5, thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn.

Điều đáng nói, kỳ vọng vào hệ thống KRX cũng phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu chứng khoán thời gian qua. Xét trong dài hạn, việc hệ thống mới hoạt động sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn. Xét trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là câu hỏi lớn trước những ‘cơn gió ngược’ từ lãi suất, tỷ giá và sự bất ổn bên ngoài…

Thực tế, tiền đổ vào chứng khoán chủ yếu là do nền kinh tế chưa hấp thụ được dòng vốn ứ đọng. Đồng thời, dòng tiền này có tính đầu cơ cao, đến nhanh nhưng đi cũng nhanh. Vì thế, thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu chứng khoán nói riêng đều mang nặng tính chu kỳ. Thị trường chứng khoán khó có thể đi lên bền vững do dòng tiền đầu tư dài hạn bị thiếu hụt.