Các sàn vẫn “dửng dưng” dù có cảnh báo

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố khuyến nghị với nhà đầu tư khi tham gia giao dịch tiền mã hóa trên sàn giao dịch chưa được cấp phép. Theo đó, một số cái tên bị điểm danh là ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com, Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks, bawallet9.com, Londonex.com…

Các tổ chức, cá nhân này đã thông qua mạng xã hội rồi kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử trên các sàn giao dịch chứng khoán không được vận hành bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và công ty con. Đặc biệt, chỉ khi bị thua lỗ nghiêm trọng sau một thời gian không rút được tiền thì nhà đầu tư mới phát hiện bị lừa.

Rủi ro “mất sạch” tiền khi đầu tư sàn chứng khoán, tiền mã hóa trái phép
Tình trạng người dân tham gia vào sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán quốc tế đang có xu hướng tăng trong thời gian qua

UBCKNN đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về vấn nạn cung cấp dịch vụ chui về đầu tư chứng khoán nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp tiếp tục có hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, cho vay ký quỹ chứng khoán hay môi giới chứng khoán…

Greenstock quảng cáo hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch cả chứng khoán cơ sở và phái sinh, cung cấp mua bán cổ phiếu trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM, với các gói sản phẩm có đòn bẩy lên tới 2:8 - mức cao nhất của thị trường và tỷ lệ cọc phái sinh chỉ ở 10%. Mặt khác, trên thị trường, tỷ lệ ký quỹ phái sinh thường là 21,875% giá trị hợp đồng.

Quảng cáo của Savenow cho thấy số tiền đầu tư vào ứng dụng sẽ chuyển tới các công ty quản lý quỹ có mặt trong SaveNow với tỷ lệ cụ thể. Những quỹ này triển khai quản lý và đầu tư vào thị trường trái phiếu, cổ phiếu… Ngoài ra, đầu tư SaveNow còn được tích hợp trên Viettel Money…

Về BUFF, đây là ứng dụng của Công ty CP Buff Fintech, cung cấp sản phẩm tài chính và lãi suất được quảng cáo hấp dẫn hơn so với kênh gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi, Infina là mô hình đầu tư và tích lũy của công ty RealStake (Singapore) có cơ sở tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ theo hình thức mua một phần sở hữu trực tiếp từ Infina hoặc từ sàn giao dịch.

Đặc biệt, Infina có tiền thân là mô hình bất động sản mua chung, từng được phản ánh vào năm 2020 khi có tín hiệu không rõ ràng trong việc bảo lãnh của các ngân hàng.

Nhiều người vẫn “sập bẫy” dù chiêu trò không mới

Theo khẳng định của NHNN và UBCKNN, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa công nhận về các dạng tài sản số, tiền ảo, tiền mã hóa. Như vậy, các loại tiền kỹ thuật số không phải là chứng khoán, và việc mua bán chúng chưa được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, các sàn trên vẫn phát triển một cách mạnh mẽ và thu hút người chơi và đã khiến nhiều người bị lừa, mất trắng hàng tỷ đồng đầu tư.

Rủi ro “mất sạch” tiền khi đầu tư sàn chứng khoán, tiền mã hóa trái phép
Ảnh minh họa

"Tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ đầu số 028888xxxxx mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế với lợi nhuận lên tới 5 - 7%/ngày. Nếu đồng ý kết bạn Zalo, họ sẽ gửi tài liệu để tham khảo. Có khi lại có người mời chào tham gia vào nhóm chat trên mạng xã hội Zalo để nhận mã chứng khoán “ngon”, nếu không biết đặt lệnh có thể ký hợp đồng đầu tư ủy thác…", chị Ngọc Trần (quận Hoàng Mai) cho biết.

Chị Ngọc tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán nội địa được 4 năm, song vẫn là “nạn nhân” của ứng dụng chứng khoán giả sau khi bị mời gọi chèo kéo nhiều lần tham gia hội nhóm đầu tư trên các nền tảng như Zalo, Telegram.

"Chúng chia những nạn nhân ra thành những nhóm rất nhỏ, mỗi một nhóm chỉ có 2 - 3 nạn nhân, còn lại phải 80 - 90% là chim lợn, chim mồi. Chúng quây mình làm cho mình tin tưởng", một người tham gia ứng dụng chứng khoán StockX cho biết.

Về vấn đề trên, Công an TP Hà Nội từng nhận được nhiều thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu mạo danh website các công ty để giao dịch.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong giai đoạn từ 10/2021- 10/2022, tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là 90,8 tỷ USD. Việt Nam nằm trong top 5 nước ghi nhận lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance, tiếp đó là sàn Exness.com với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho biết năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của các sàn đầu tư tiền ảo, trong khi năm 2022 và 2023 thì liên tục có nhiều app đầu tư chứng khoán mạo danh, có hành vi dụ dỗ và mời chào nhà đầu tư.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT đang phát triển và vận hành 2 bộ công cụ. Một là công cụ về lừa đảo trực tuyến hướng dẫn người dân biết về kỹ năng lừa đảo trên web congcu.khonggianmang.vn. Trang thứ 2 là dauhieuluadao.com. Cung cấp đầy đủ kiến thức về lừa đảo, cung cấp bài test cho người dân vào làm và tự trải nghiệm", theo Phó Trưởng phòng Giám sát An toàn thông tin (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) Nguyễn Phú Lương.

Rủi ro “mất sạch” tiền khi đầu tư sàn chứng khoán, tiền mã hóa trái phép
Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, các đối tượng lừa đảo hay sử dụng hình thức phổ biến là yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng trung gian rồi rút tiền nhanh chóng để xóa dấu vết.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Tài chính rà soát, kiểm tra và làm sạch dữ liệu thông tin của người giao dịch chứng khoán, trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán và báo cáo lại trước ngày 30/11…

Một lãnh đạo Phòng 4 - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhận định: “Với việc sử dụng tài nguyên dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng có thể “dọn dẹp” những tài khoản rác. Qua đó có thể ngăn ngừa tội phạm núp bóng dưới tài khoản được mua lại, giúp minh bạch dòng tiền”.

Tuy vậy, các đối tượng lừa đảo cũng hay thay đổi chiêu thức với thủ đoạn tinh vi hơn. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nếu chưa tìm hiểu kỹ về phía người dân chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang thì người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính. Ngoài ra, cũng không tham gia vào trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, sàn giao dịch tiền mã hóa vì tất cả những hoạt động đó không được thừa nhận và cấp phép bởi Nhà nước Việt Nam.