VN-Index mất mốc 1.100 điểm

Chốt phiên 18/12, thị trường chứng khoán chìm trong biển đỏ. VN-Index giảm 10,42 điểm, tương ứng giảm 0,95%, xuống 1.091,88 điểm; HNX-Index giảm 1,29 điểm xuống 225,73 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm còn 84,88 điểm.

Tăng giảm không ổn định, có nên đầu tư chứng khoán lúc này?
VN-Index giảm xuống 1.091,88 điểm

Liên tục giảm điểm trong các phiên vừa qua khiến VN-Index quay đầu xuống dưới 1.100 điểm. So với hồi đầu năm, chỉ số này vẫn tăng được hơn 8% nhưng nhiều cổ phiếu thì thấp hơn vì giảm mạnh. Nếu so với thị trường chứng khoán của nhiều nước đã có sự tăng mạnh gần đây, nhất là thị trường Mỹ khi liên tiếp lập kỷ lục mới tuần qua, thì VN-Index đã tăng quá thấp.

Ngoài ra còn hàng loạt cổ phiếu giảm giá vẫn chưa thể phục hồi khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ. Những yếu tố này khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân chán nản, không giao dịch, thậm chí rời thị trường.

Chị Thanh (TP. HCM) cho biết đã hơn 4 tháng nay chị không mở tài khoản ra xem vì “chán”. Thị trường ảm đạm, cổ phiếu tăng nhẹ rồi lại giảm. “Thỉnh thoảng nhìn thử bảng điện tử thấy VN-Index chỉ loanh quanh dưới 1.100 điểm. Các cổ phiếu từ giá cao đến trung bình hay thấp đều lình xình, giao dịch uể oải thấy mà nản. Lúc này mà giao dịch ngắn hạn hay lướt sóng thì chỉ có lỗ, nên tôi tạm ngừng chờ hết năm xem sao” - Chị Thanh chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận - Trường ĐH Tài chính Marketing, áp lực bán ròng liên tục gần đây của nhà đầu tư nước ngoài khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước bị tác động mạnh. Từ đó làm nhiều người chùn tay, giao dịch thận trọng hơn hoặc chỉ đứng quan sát.

Trong đó, các mã blue-chip vốn được xem như “trụ cột” của thị trường là bất động sản, tiêu dùng, ngân hàng, nay cũng bị khối ngoại bán mạnh nên không có cơ hội tăng. Bên cạnh khó khăn của thị trường địa ốc khiến cổ phiếu ngành này chưa phục hồi, thì các doanh nghiệp bán lẻ cũng khó khăn khi doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.

Đơn cử như câu chuyện của Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động và một số doanh nghiệp cùng ngành. Hay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nông nghiệp, dệt may… chưa thể hồi lại đơn hàng và dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2023 ở mức thấp.

“Tôi tin rằng kinh tế VN trong năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay. Tuy nhiên đối với TTCK thì thường sẽ không có chuyện tất cả CP cùng tăng. Vì vậy NĐT vẫn phải thận trọng khi lựa chọn CP để đầu tư. Thị trường lúc này đang lình xình và giảm là cơ hội cho NĐT mua vào để đầu tư trung và dài hạn, từ 6 tháng trở lên” - TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính Marketing nói.

Tăng giảm không ổn định, có nên đầu tư chứng khoán lúc này?
Các ngành "trụ cột" nay cũng rất khó khăn

Tuy nhiên, xét về mặt vĩ mô, kinh tế thế giới cũng như trong nước năm 2024 sẽ ổn định theo hướng phục hồi tốt hơn năm 2023. Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước tăng cao hơn. Chẳng hạn như kinh tế thế giới đang dần hồi phục, nhất là Mỹ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra dự kiến có 3 đợt giảm lãi suất vào năm sau. Từ đó lãi suất sẽ giảm, chi phí tiêu dùng thấp sẽ kéo nhu cầu chi tiêu tăng lên.

Đây sẽ là điều kiện khiến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày cũng nhiều hơn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy vào Việt Nam và gia tăng trong bối cảnh lãi suất ở Mỹ xuống thấp, thúc đẩy ngành bất động sản, công nghiệp phát triển…

Nâng hạng thị trường chứng khoán giúp cổ phiếu tăng giá

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm chưa có nhiều biến động, chủ yếu vẫn là xu hướng đi ngang. Nhưng năm 2024, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.

Thực tiễn, giá cổ phiếu luôn đi ngược với lãi suất, khi lãi suất giảm, giá cổ phiếu thường tăng. Đây là thời điểm các nhà đầu tư có cơ hội để đón đầu xu hướng phục hồi năm 2024. Song, không phải mọi cổ phiếu đều tăng mà còn phụ thuộc vào kết quả hoạt động của từng doanh nghiệp. Ngay chính nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ, chọn lọc mã của doanh nghiệp có cơ hội đón được xu hướng tăng trưởng trở lại.

Tăng giảm không ổn định, có nên đầu tư chứng khoán lúc này?
Nâng hạng TTCK Việt Nam là yếu tố khiến thị trường “bùng nổ”

Theo phân tích của TS Nguyễn Văn Thuận, bên cạnh những yếu tố tích cực như kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang hồi phục, quyết tâm của Chính phủ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ mới nổi lên cận biên trong năm 2024 hoặc chậm nhất là năm 2025 đều rất quan trọng với thị trường. Điều này sẽ tạo ra niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Văn Thuận nhận định: "Tôi tin rằng kinh tế VN trong năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng có sự phục hồi và phát triển hơn. Tuy nhiên đối với TTCK thì thường sẽ không có chuyện tất cả CP cùng tăng. Vì vậy NĐT vẫn phải thận trọng khi lựa chọn CP để đầu tư. Thị trường lúc này đang lình xình và giảm là cơ hội cho NĐT mua vào để đầu tư trung và dài hạn, từ 6 tháng trở lên".

Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á - Ông Huỳnh Anh Tuấn khá lạc quan khi cho rằng năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước. Đơn cử là việc lãi suất trong nước hạ thấp, có thể giảm thêm sau khi Mỹ hạ lãi suất. Vốn của nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư Mỹ có xu hướng chuyển sang đầu tư vào các thị trường mới nổi…

Đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 là yếu tố khiến thị trường “bùng nổ”. Đồng thời, thị trường này luôn là tín hiệu đi trước các số liệu về kinh tế vĩ mô. Do đó, hiện tại chính là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư xem xét mua cổ phiếu.